Thu nhập trên 9 triệu không được vay ưu đãi, công nhân dễ sa vào tín dụng đen
(VNF) - Những quy định tại Thông tư 33/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/7/2024 khiến nhiều công nhân có thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng khó khăn khi vay vốn lãi suất thấp tại Tổ chức Tài chính Vi mô (CEP).
Điều chỉnh chính sách hỗ trợ công nhân
Theo ghi nhận của VietnamFinance, gần đây, tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP.HCM, nhiều công nhân cho biết họ gặp khó khăn khi vay vốn lãi suất thấp tại Tổ chức Tài chính Vi mô (CEP) với nguyên nhân thu nhập trên 9 triệu đồng.
Anh L.Đ.T, một công nhân làm việc tại Khu công nghệ cao (TP. Thủ Đức, TP. HCM) cho biết hồ sơ vay vốn của anh bị trả về vì quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, trong khi năm ngoái anh vẫn có thể vay được khoảng 40 triệu đồng để chi trả cho các chi phí sinh hoạt như học phí của con, sửa nhà, mua sắm đồ dùng gia đình,…
Đây không phải trường hợp cá biệt mà VietnamFinance ghi nhận. Trên thực tế, nhiều hồ sơ vay vốn của công nhân đã bị trả về trong thời gian gần đây với cùng lý do: thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng.
Lý giải cho vấn đề này, ông Cao Văn Thăng, Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động TP. HCM cho biết tại Khoản 4, Điều 3, Thông tư 33/2024/TT-NHNN (30/6/2024) quy định về hồ sơ, trình tự cấp phép, tổ chức hoạt động của tổ chức vi mô quy định, khách hàng tài chính vi mô cần thỏa các điều kiện: cá nhân thuộc hộ nghèo, cá nhân thuộc hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ở khu vực đô thị có mức thu nhập bình quân tối đa 9 triệu đồng/tháng tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Thông tư 33 có hiệu lực từ ngày 1/7, dẫn đến sự việc nhiều công nhân không còn được vay vốn lãi suất thấp như đã từng trong năm 2023.
Ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên CEP cho biết, đã có kiến nghị với Liên đoàn Lao động TP. HCM về một số vướng mắc khi triển khai Thông tư 33 để tạo cơ sở báo cáo lên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng đã ghi nhận về sự việc này.
“Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn thành phố, quy định mức thu nhập bình quân tối đa 9 triệu đồng là tương đối khó khăn, hạn chế việc mở rộng cho vay vốn của CEP đối với người lao động nhằm đảm bảo cho công nhân được vay ưu đãi, tránh tiếp cận với “tín dụng đen. Thời gian tới, thành phố tiếp tục có kiến nghị để xem xét, sửa đổi hoặc chuyển đổi mô hình của tổ chức để phù hợp với nhu cầu, mong muốn của công nhân, viên chức lao động trên địa bàn đối với tổ chức Công đoàn nói chung và CEP nói riêng”, ông Cao Văn Thăng cho biết.
Nguy cơ tìm đến tín dụng đen
Khi vay vốn qua các kênh tài chính chính thức như Tổ chức Tài chính Vi mô CEP, người dân sẽ được hưởng mức lãi suất thấp chỉ từ 4,8 – 7,8%/năm (tương đương 0,4 – 0,65%/tháng). Còn theo chia sẻ của những công nhân không còn có thể tiếp cận được nguồn tài chính tại CEP, nếu không có tài sản thế chấp, họ có thể sẽ phải vay vốn tín chấp tại các ngân hàng thương mại hoặc công ty tài chính với mức lãi suất cao hơn khá nhiều.
Khảo sát cho thấy mức lãi suất vay tín chấp phổ biến tại các ngân hàng thương mại hiện nay là từ 14 – 28%, tuỳ hình thức mà khách hàng lựa chọn; tại công ty tài chính từ 20 – 35% hoặc cao hơn nếu không chứng minh được khả năng trả nợ. Bên cạnh lãi suất cao, một điểm trừ khác là thời gian giải ngân lâu và yêu cầu nhiều hồ sơ, giấy tờ.
Các chuyên gia cho rằng việc khó tiếp cận kênh vay vốn chính thống là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công nhân tìm đến tín dụng đen, khi không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các ngân hàng và tổ chức tài chính chính thống như cần có tài sản thế chấp, lịch sử tín dụng tốt, hoặc thu nhập ổn định.
Tín dụng đen không chỉ là vấn đề tài chính mà còn tạo ra nhiều hệ lụy xã hội khác. Sự gia tăng nợ nần có thể dẫn đến các mâu thuẫn trong cộng đồng, gia tăng tội phạm và bất ổn xã hội. Công nhân và doanh nghiệp dễ bị tổn thương cả về mặt kinh tế lẫn tinh thần, khi phải chịu đựng áp lực nợ nần kéo dài.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM nhận định rằng việc tăng khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng đối với cán bộ nhân viên, công nhân và người lao động có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời, góp phần quan trọng vào công tác phòng chống “tín dụng đen” và tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trong bối cảnh công nghệ thông tin và các dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng phát triển.
Tính đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn thành phố đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay mua nhà để ở, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà để ở; liên quan đến bất động sản, nhưng là tiêu dùng, mua để ở, với mục đích để sử dụng đạt 643.000 tỷ đồng, chiếm 62,2% trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng.
Tín dụng đen 'vươn vòi bạch tuộc', tin đồn cuộc gọi lạ chiếm tài khoản sau 3 giây
- Tín dụng đen vẫn 'vươn vòi bạch tuộc' siết cổ người vay 13/09/2024 09:30
- Loạn dịch vụ đáo hạn ngân hàng: Cận trọng dính tín dụng đen 18/07/2024 09:42
- 'Trùm' tín dụng đen từ Ukraine vào Việt Nam: Dùng công nghệ cao, thu lợi nghìn tỷ 10/04/2024 03:34
Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.