Thủ tục thuế vẫn rườm rà: DN gặp phiền hà, người dân chịu thiệt thòi
(VNF) - Theo các chuyên gia, mặc dù ngành thuế đã nỗ lực cải cách nhưng sự rườm rà trong thủ tục thuế, bất cập trong chính sách và ứng dụng công nghệ số chưa đồng đều vẫn khiến người dân và DN có nhiều bức xúc.
Chính sách, thủ tục thuế còn nhiều bất cập
Chia sẻ tại Hội thảo “Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững” diễn ra chiều ngày 18/12/2024, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin: “Ghi nhận mới nhất từ khảo sát môi trường kinh doanh do VCCI tiến hành trong năm 2024, vẫn có tới 31% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa”.
Thực tế này cũng được nhiều chuyên gia chỉ ra, mặc dù ngành thuế đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và đạt mức độ chuyển đổi số vượt trội so với nhiều quốc gia trong khu vực nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp và người dân gặp phải khó khăn, phiền hà khi thực hiện các thủ tục thuế.
Theo lãnh đạo VCCI, một trong những khó khăn lớn mà các doanh nghiệp gặp phải khi tuân thủ nghĩa vụ thuế là sự rườm rà trong thủ tục hành chính. Dù đã có những cải thiện đáng kể, các quy trình như kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quyết toán thuế vẫn còn phức tạp, gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.
Cùng với đó là sự không đồng nhất trong áp dụng chính sách. Thực tế, một số quy định thuế chưa được diễn giải hoặc áp dụng thống nhất giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương, dẫn đến sự thiếu minh bạch và khó dự đoán cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý thuế vẫn còn chưa đồng đều.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế lấy ví dụ, trong các chuỗi sản xuất liên quan đến nhiều chủ thể, từ F1 đến F5, chỉ cần một khâu gặp sai sót về hóa đơn hoặc chứng từ, toàn bộ quá trình hoàn thuế của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, không chỉ doanh nghiệp, người nộp thuế thu nhập cá nhân cũng đang phải chịu “thiệt thòi”. Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế nêu ví dụ, trong các tháng 1, 2, 3, người lao động có lương rất cao vì có thưởng Tết, nên thuế thu nhập cá nhân cũng cao, phải nộp ngay. Những tháng tiếp theo, dù không có thu nhập cao nhưng họ sẽ phải chờ đến tháng 3 năm sau mới được bù trừ khi làm quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
“Như vây, tiền của người nộp thuế đã nằm trong ngân sách nhà nước đến hơn 10 tháng, thậm chí có trường hợp là 12 tháng. Ngân sách nhà nước bị người nộp thuế chiếm dụng thì người nộp thuế sẽ bị phạt. Nhưng chúng ta chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm khi người nộp thuế, doanh nghiệp chậm được trả lại tiền thuế đã nộp thừa”, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế băn khoăn.
Đẩy mạnh số hóa trong quản lý thuế
Để tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, theo ông Hoàng Quang Phòng, cần đẩy mạnh số hóa trong quản lý thuế. Theo đó, ngành thuế hoàn thiện các nền tảng công nghệ và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sử dụng các hệ thống này, chẳng hạn như xây dựng các cổng thông tin thân thiện, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để giải đáp thắc mắc nhanh chóng và chính xác.
“Cùng với đó, cần tăng cường minh bạch và hướng dẫn cụ thể, cần có các tài liệu hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu và thống nhất về việc thực thi các chính sách thuế, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Thêm nữa, nghiên cứu, sửa đổi và triển khai chính sách thuế đơn giản, ổn định, đơn giản hóa biểu mẫu kê khai, giảm thiểu các loại thuế phí chồng chéo, và duy trì sự ổn định trong chính sách để doanh nghiệp yên tâm lập kế hoạch dài hạn”, ông Phòng nhấn mạnh.
Lãnh đạo VCCI cũng kiến nghị ngành thuế hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs) thông qua các chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo về tuân thủ thuế, hoặc tư vấn trực tiếp. Mặt khác, cơ quan thuế cần tăng cường đối thoại và tham vấn, duy trì các kênh đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để lắng nghe phản hồi, cũng như cập nhật các vấn đề thực tiễn trong thực thi chính sách.
Bà Nguyễn Thị Cúc khẳng định, điều mà tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn là có một hệ thống chính sách thuế minh bạch, rõ ràng, ổn định và có tính tương ứng với các chủ thể thuế. Những chính sách rõ ràng không chỉ giúp tạo sự bình đẳng mà còn củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống thuế.
“Cần làm thế nào để cá nhân, doanh nghiệp có thể thực hiện nghĩa vụ nộp thuế một cách thuận lợi nhất. Khi đó, tính tuân thủ sẽ cao hơn, hành vi trốn thuế giảm đi, không chỉ mang lại lợi ích cho người nộp thuế mà còn cả giảm rủi ro cho cơ quan thuế”, bà Cúc nói.
Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế cũng cho rằng cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế cần được đẩy mạnh hơn, đặc biệt là thông qua số hóa. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng thủ tục mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ số (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, ngành thuế cần tích cực triển khai việc tăng cường đầu tư vào công nghệ, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) để xử lý các giao dịch phức tạp và khối lượng dữ liệu ngày càng gia tăng từ nền kinh tế số.
Bên cạnh đó, cần thiết kế các hệ thống dễ sử dụng, tập trung vào sự tiện lợi và thân thiện với người dùng; xây dựng trung tâm hỗ trợ trực tuyến ứng dụng trợ lý ảo để kịp thời giải quyết các vấn đề cho người nộp thuế.
Ngoài ra, cần xem xét thay đổi chính sách thay vì yêu cầu người dân khai báo nguồn thu nhập để tính thuế thì kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp trả tiền để tự động xác định nguồn thu nhập của từng cá nhân, làm cơ sở tính thuế.
Tổng cục Thuế: Tạm dừng bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ
- Thu thuế thương mại điện tử chính thức vượt mốc 100.000 tỷ đồng 06/12/2024 08:59
- Chính phủ muốn thu thuế TNDN với sàn thương mại điện tử, nền tảng số 22/11/2024 09:54
- AMIS thuế TNCN giải bài toán cho doanh nghiệp về quy định chứng từ thuế điện tử 16/07/2022 03:48
Toàn cảnh công trường cầu 2.300 tỷ nối Đảo Vũ Yên vào nội đô Hải Phòng
(VNF) - Cầu Máy Chai (Cầu Hoàng Gia) nối khu đô thị trên đảo Vũ Yên và quận Ngô Quyền với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng