Thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng cho hàng loạt dự án lớn tại Nghệ An

Châu Anh - 24/07/2022 12:10 (GMT+7)

(VNF) - Trong chuyến công tác tại Nghệ An sáng 24/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi khảo sát, chỉ đạo hướng phát triển và xử lý các khó khăn, vướng mắc tại công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

VNF
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án đường ven biển tỉnh Nghệ An. (Ảnh: VGP)

Đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh theo hình thức đối tác công tư

Tại dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng Hàng không Quốc tế Vinh dự kiến quy hoạch đến năm 2030 có công suất khoảng 8 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 có công suất khoảng 14 triệu hành khách/năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác khảo sát thực địa sân bay Vinh. (Ảnh: VGP)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đề xuất với Chính phủ chấp thuận điều chỉnh công suất Cảng Hàng không Quốc tế Vinh trong dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành: quy hoạch đến năm 2030 có công suất khoảng 12 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 có công suất khoảng 15 triệu hành khách/năm.

Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân lao động. (Ảnh VGP)

Sau khi khảo tại thực địa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với đề xuất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An và Bộ Giao thông Vận tải về việc mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh.

Thủ tướng yêu cầu phải có tầm nhìn chiến lược, nghiên cứu phát triển Cảng hàng không Vinh đồng bộ, lâu dài, linh hoạt khi vận hành, sử dụng trong mọi hoàn cảnh, điều kiện; đề nghị huy động nguồn lực đầu tư mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Thủ tướng giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An làm Cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án; Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các bước xây dựng dự án, trước mắt thực hiện các thủ tục pháp lý, bố trí quỹ đất, chuyển mục đích sử dụng đất để có quỹ đất rộng sân bay.

Nỗ lực để Nghệ An có cảng biển nước sâu trong nhiệm kỳ này

Cảng Cửa Lò nằm ở vị trí tốt của khu vực Bắc Trung bộ, thuận lợi cho giao dịch thông thương hàng hóa quốc tế, đặc biệt là trung chuyển hàng cho nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng Cửa Lò có 6 bến, trong đó có 4 bến đang hoạt động, được thiết kế cho cỡ tàu 1 vạn tấn và 2 bến còn lại được thiết kế cho tàu 3 vạn tấn.

Vướng mắc hiện hữu lâu nay cảng Cửa Lò đang gặp phải là hệ thống luồng lạch chưa được khơi thông, nạo vét bảo đảm độ sâu từ 8-9m, nên tàu vận tải hàng lớn trên dưới 30.000 DWT không thể ra, vào. Mặt khác, do hạ tầng kỹ thuật đường bộ, hệ thống luồng lạch chưa phát triển tương xứng, nên chưa thể phát huy hết công suất.

Sau khi khảo sát Cảng nước sâu Cửa Lò, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc đầu tư mở rộng cảng sẽ tạo không gian phát triển tốt hơn cho thành phố Vinh kết nối đến thị xã Cửa Lò.

Theo Thủ tướng, điều kiện của Nghệ An giờ đã khác trước nên nếu không có cảng nước sâu thì phát triển công nghiệp rất khó. Có cảng nước sâu cùng với sân bay, đường bộ cao tốc, đường sắt, Nghệ An sẽ có hạ tầng đồng bộ, có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, triển khai theo đúng quy hoạch cảng biển. Bên cạnh đó phải đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư, song phải giám sát việc chọn nhà đầu tư, các việc khác đúng quy định; nỗ lực có cảng biển nước sâu trong nhiệm kỳ này. “Chính phủ có trách nhiệm lo về cơ chế chính sách, luật pháp; địa phương phải lo các công việc của chính mình”, Thủ tướng lưu ý.

Cung ứng đủ vật liệu xây dựng tuyến đường ven biển Nghệ An

Khảo sát dự án đường ven biển đi qua 5 địa phương của tỉnh Nghệ An gồm thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò, có tổng chiều dài gần 80km, tổng mức vốn đầu tư 4.651 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Nghệ An và các bộ, ngành liên quan phải thúc đẩy tiến độ dự án, đảm bảo giải ngân theo kế hoạch, thậm chí vượt kế hoạch để tuyến đường sớm hoàn thành, đi vào khai thác; cùng với đó, giám sát để việc xây dựng công trình đảm bảo chất lượng và mỹ thuật. Vì khi có tuyến đường này, cùng với cảng biển, sân bay, nhiều nhà đầu tư sẽ tìm đến đầu tư, theo đó các huyện, thị xã ven biển của tỉnh sẽ phát triển, tỉnh sẽ giàu mạnh.

Thủ tướng đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, chủ đầu tư, nhà thầu phải phối hợp giao ban để xử lý kịp thời các vướng mắc. Tỉnh Nghệ An chú ý cung ứng nguyên vật liệu cho dự án. Các đơn vị thi công tổ chức tăng ca, tăng kíp; chăm sóc sức khỏe, động viên công nhân làm việc; thanh toán tiền công đầy đủ, kịp thời cho công nhân.

Đầu tư tuyến đường từ TP. Vinh tới huyện Nam Đàn đồng bộ, hiện đại

Khảo sát điểm đầu dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn TP. Vinh - thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, với chiều dài 24km, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nghiên cứu lựa chọn phương án đầu tư tuyến đường hiện đại, đồng bộ, liên thông, kết nối tuyến đường với tuyến đường tới Cửa Lò, trên tinh thần tuyến đường thẳng nhất, ngắn nhất, ít ảnh hưởng tới dân cư nhất. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu cả phương án đầu tư mở rộng Quốc lộ 46 theo hình thức hợp tác công tư.

Xử lý vướng mắc về pháp lý, đưa công trình thủy lợi Bản Mồng vào hoạt động

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới khảo sát dự án hồ thủy lợi Bản Mồng - công trình thủy nông lớn nhất Nghệ An. Dự án này được phê duyệt từ năm 2009 với kinh phí 3.700 tỷ đồng.

Đây là dự án đa mục tiêu, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho gần 19.000 ha ven sông Hiếu, cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt với lưu lượng khoảng 22m3/s và cho công nghiệp dân sinh, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra còn tham gia phát điện, cải tạo môi trường, đồng thời kết hợp giảm một phần lũ cho khu vực hạ du sông Hiếu. Hiện dự án đã hoàn thiện hơn 95% phần công trìn nhưng chưa đi vào hoạt động do nhiều vướng mắc.

Sau khi khảo sát tại công trình và nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, một trong những nguyên nhân dẫn tới dự án kéo dài, không đúng tiến độ, không hoàn thành dứt điểm, gây lãng phí là do việc phân bổ vốn đầu tư công dàn trải, manh mún, không trọng tâm, trọng điểm.

Thực tiễn đang đặt ra bài toán về khoảng trống pháp lý liên quan tới Luật Đầu tư công, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định của pháp luật, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét phương án xử lý các vướng mắc về mặt pháp lý.

Đồng thời, các bên liên quan triển khai công việc cần thiết theo quy định để khẩn trương hoàn thành trong thời gian sớm nhất hệ thống kênh mương để phát huy hiệu quả của dự án.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các cơ quan mời lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tham dự cuộc làm việc sắp tới để tham gia giải quyết vấn đề liên quan tới đền bù tái định cư, giải phóng mặt bằng cho dự án.

Cùng chuyên mục
Tin khác