Thủ tướng chính thức thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Tương lai châu Á

Yến Thanh - 04/06/2017 11:36 (GMT+7)

(VNF) - Sáng 4/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Nhật Bản và dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 tại Tokyo từ ngày 4-8/6 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Tham gia đoàn có: Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Bí thư Thành ủy TP. Hải Phòng Lê Văn Thành; Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường và một số đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương cùng tham gia Đoàn.

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 của Thủ tướng nhằm khẳng định sự coi trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trên mọi lĩnh vực. Chuyến thăm còn có mục tiêu quan trọng là thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản ở cấp Trung ương và địa phương đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại; trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế.

Sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Ngoài việc là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe (tháng 1/2017), hai bên đã ký 2 công hàm trao đổi và 2 hiệp định cho vay một số dự án ODA vốn vay và không hoàn lại. Nhật Bản cam kết cung cấp thêm cho Việt nam khoảng 120 tỷ yên (khoảng 1,05 tỷ USD) ODA vốn vay năm tài khóa 2016 cho 4 dự án.

Nhật Bản cũng là nhà đầu tư số 2 tại Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (năm 2016). Hai bên đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.

Hai bên đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 12/2004), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA, tháng 10/2009) tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Hiện tại, Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp với 6 ngành được lựa chọn (ô tô và phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp, công nghiệp chế biến thủy sản, điện tử, công nghiệp môi trường và tiết kiệm điện năng, đóng tàu) trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

Tags:
Cùng chuyên mục
Tin khác