Thủ tướng gợi ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể đổi tên thành Bộ Kinh tế, Chiến lược và phát triển

Lê Nguyễn - 10/01/2020 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng từ “kế hoạch” đã không còn phù hợp với tên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Ông gợi ý với vai trò nhạc trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau năm 2020 có thể đổi tên thành Ủy ban Cải cách Phát triển hoặc Bộ Kinh tế, Chiến lược và phát triển.

VNF
Thủ tướng gợi ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể đổi tên thành Bộ Kinh tế, Chiến lược và phát triển

Hôm 9/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị triển khai Nghị quyết 01 và 02 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được Thủ tướng chọn để công bố lần đầu tiên 2 tầm nhìn 100 năm (100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước) vào tháng 2/2019. Đây cũng được xem là một trong những cơ quan đầu tiên ra quân triển khai Nghị quyết 01, 02.

Với chủ đề “Khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, hành động hiệu quả”, Hội nghị còn có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành và 900 đại biểu của 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đóng góp quan trọng, “đã vượt lên chính mình”, là Bộ đi tiên phong về đổi mới tư duy, hành động và hiệu quả.

Với vai trò Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng XIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có “nhiệm vụ hằng tháng, hằng quý rất nặng nề, yêu cầu cao”. Bộ đã triển khai thực hiện khối lượng nhiệm vụ, đề án rất lớn có chất lượng, đúng thời gian, tiến độ đề ra, đạt tỷ lệ 100%.

Thủ tướng nhìn nhận, năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc tốt hơn năm 2018.

Theo Thủ tướng, khát vọng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045 là một thực tế, không phải tinh thần viển vông. Và “không ai khác hơn, chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực”.

Trong bối cảnh tình hình thế giới những ngày gần đây diễn biến phức tạp, khó lường, người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề: cần làm gì để tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0, cần khuyến nghị chính sách hỗ trợ với các địa phương như thế nào để các địa phương thực sự xem cách mạng 4.0, kinh tế số là nền tảng, động lực để chuyển đổi cơ cấu và phát triển nhanh bền vững.

Thủ tướng đề nghị năm 2020, cần phải tháo gỡ được một số nút thắt lớn để khơi thông các động lực cho địa phương, cho nền kinh tế.

“Cần tiếp tục phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch, giao cho Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng tự lo. Các đồng chí không cần ôm giữ những việc không cần thiết, các đồng chí làm tổng hợp, làm chính sách pháp luật, kiểm tra và đôn đốc thực hiện chủ trương lớn”, Thủ tướng nói.

Nhìn nhận Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò như một nhà toán học, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xung phong đi đầu trong việc giải bài toán lớn về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành.

Thủ tướng nhấn mạnh năm 2020 có vị trí đặc biệt quan trọng, tuyệt đối không được tự mãn, lơ là, chủ quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hiến kế làm sao để các mục tiêu kinh tế-xã hội 2020 sớm về đích, làm sao để có thể tạo ra bứt phá hơn nữa ở các khâu, các cấp, các ngành, đặc biệt các địa phương để đưa nhanh chóng Nghị quyết 01, 02 và nhiều nghị quyết khác của Chính phủ về đích sớm trong năm 2020.

Ông cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hệ thống ngành kế hoạch, đầu tư, thống kê nghiên cứu xem cần chính sách có tính đột phá lớn như thế nào để Việt Nam thăng hạng hơn nữa trong năm 2020 về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh…

Cùng chuyên mục
Tin khác