Thủ tướng: Sức ép lạm phát còn lớn khi tỷ giá tăng, lãi suất thế giới tăng

Minh Tâm - 31/07/2018 16:20 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù chỉ số CPI tháng 7 giảm nhẹ nhưng Thủ tướng cho rằng, sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang diễn ra.

VNF
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 diễn ra ngày 31/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực, kết quả tháng 7 khả quan hơn, tốt hơn tháng 6. Lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 7 đã giảm 0,09% so với tháng trước. Các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng tốt. Khách du lịch quốc tế đạt hơn 9 triệu lượt người, tăng hơn 25%.

“Đây là mùa cao điểm, nhất là khách trong nước hết sức nhộn nhịp. Tôi cùng anh Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng có đi dự, chủ trì Hội nghị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp ở Đà Lạt thì thấy không khí rất tấp nập”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và dự báo tốt về triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng phát triển Châu Á (ABD) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng 7,1%, Standard Chartered dự báo tăng 7%, lạm phát quanh mốc 4%. 

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng còn một số yếu kém, hạn chế, khó khăn, thách thức và đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, bàn kỹ các giải pháp, đối sách cụ thể. 

Cụ thể, mặc dù chỉ số CPI tháng 7 giảm nhẹ nhưng Thủ tướng cho rằng, sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang diễn ra.

Thủ tướng đề nghị tổ điều hành kinh tế vĩ mô gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương phối hợp xử lý; đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu, báo cáo cụ thể về vấn đề này.

“Nếu chỉ lo tăng trưởng mà không lo lạm phát thì không ổn định, nhất là đời sống công nhân, nông dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với thực trạng sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, tư lệnh các ngành đề xuất giải pháp tháo gỡ, nhất là giảm các điều kiện kinh doanh, tiếp cận tín dụng, đất đai, các loại phí, chi phí logistic.

Về tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai theo lộ trình, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đưa ra các biện pháp cụ thể và cho rằng, sắp tới đây, Thường trực Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc về doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc chuẩn bị tốt cho hội nghị này.

Cùng chuyên mục
Tin khác