Thủ tướng yêu cầu xử lý vi phạm bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp

Tuệ Lâm - 05/04/2022 17:14 (GMT+7)

(VNF) - Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, môi trường, xăng dầu... rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp. 

VNF
Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022, việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình và giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Hơn 500.000 tỷ xây 1.900km cao tốc

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc chương trình; đang hoàn thiện phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bộ cũng đã dự thảo hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc chương trình và dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; có văn bản đề nghị các địa phương tự đánh giá năng lực, kinh nghiệm và khẳng định việc làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc thuộc chương trình qua địa bàn…

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Cũng tại Hội nghị, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo, các đại biểu đã thảo luận về tình hình, giải pháp thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông chiến lược như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Long Thành; các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; các dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, đường vành đai 3 TP. HCM.

Theo tổng hợp, cả nước đang triển khai và chuẩn bị triển khai xây dựng khoảng hơn 1.900km cao tốc, với nguồn lực khoảng trên 500.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong các năm 2025-2026.

Về một số dự án chậm tiến độ như dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (dự án PPP), nguyên nhân do việc thu xếp nguồn vốn tín dụng của nhà đầu tư gặp khó khăn. Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết gặp khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường và sự chủ quan từ nhà thầu trong việc tổ chức triển khai thi công.

Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo và các nhà thầu đã cam kết đến ngày 30/6/2022 sẽ đạt tổng sản lượng là 50,8% hợp đồng, đáp ứng kế hoạch đề ra để hoàn thành dự án.

Xử lý vi phạm bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương chia sẻ với Trung ương, chung tay phát triển hạ tầng, không trông chờ, ỷ lại, suy nghĩ, tính toán, đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, thậm chí "thắt lưng buộc bụng".

Các địa phương cần rà soát, bố trí lại nguồn vốn để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm, lan tỏa cao, mặt khác phải đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.

Với tinh thần liêm chính, công khai, minh bạch, Chính phủ phân bổ và triển khai đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm cho những lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm hiệu quả cao nhất, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Thủ tướng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai thực hiện trong quý II năm 2022.

Theo đó, tập trung, quyết liệt triển khai chương trình phòng chống dịch Covid-19, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nếu không hoàn thành thì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện điều chuyển vốn theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát huy các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử, các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới; chú trọng thanh tra, kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đầu cơ, tăng giá, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử.

Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tiếp tục xử lý, cơ cấu lại các doanh nghiệp, dự án, tổ chức tín dụng yếu kém. Đẩy mạnh tốc độ phục hồi trong các lĩnh vực, nhất là du lịch trong tình hình mới, bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho du khách.

Đẩy mạnh kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ hoàn thành quy hoạch điện VIII, một số văn bản pháp lý liên quan tới định danh và xác thực điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Các địa phương chủ động, phối hợp với các cơ quan Trung ương bảo đảm cung cầu lao động. Đẩy mạnh công tác rà soát, hoàn thiện  thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tham gia góp ý các dự án luật, pháp lệnh, nghị định, quy hoạch quốc gia và vùng được lấy ý kiến.

Nắm sát tình hình, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, môi trường, xăng dầu..., rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp. 

Về các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng yêu cầu tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, giúp người dân yên tâm, tin tưởng cuộc sống ở nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác và quản lý các mỏ nguyên vật liệu, xử lý kịp thời, phù hợp vấn đề giá nguyên vật liệu. Chủ động phối hợp với các cơ quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cũng tập trung cho công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, còn đầu tư có thể phân kỳ theo nguồn lực từng giai đoạn. Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt thì mới có sản phẩm tốt.

Cùng chuyên mục
Tin khác