Toàn cảnh thi công Cao tốc Hoà Liên - Túy Loan 2.100 tỷ đồng
(VNF) - Tuyến đường được xây dựng tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h; trong giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m
Sau 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trên con đường phát triển, giúp nâng cao tầm vóc, vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng đã dần chuyển dịch trọng tâm từ “đa dạng hóa, đa phương hóa” quan hệ, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế sang tích cực hội nhập quốc tế và chủ động đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực cũng như thế giới.
Trong bối cảnh đó, việc định vị bản sắc quốc gia về mặt đối ngoại trong thời kỳ mới là một việc cần thiết nhằm định hướng nền ngoại giao, qua đó đưa ra được các chiến lược và hành động đối ngoại phù hợp, giúp bảo vệ tốt hơn lợi ích và nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của Việt Nam. Theo đó, một câu hỏi đặt ra là có phải đã đến lúc Việt Nam nên tự định vị mình như một “cường quốc hạng trung”?
Theo các học giả, có bốn cách cơ bản để xác định một quốc gia có thể được coi là một cường quốc hạng trung hay không: định lượng, chức năng, hành vi, và bản sắc.
Về mặt định lượng, có thể dùng các chỉ số cụ thể để đo đếm sức mạnh cứng của quốc gia, qua đó xác định vị trí của quốc gia đó trong hệ thống thứ bậc quốc tế. Các chỉ số này thường bao gồm các yếu tố như diện tích địa lý, dân số, quy mô nền kinh tế, sức mạnh quân sự, cùng các chỉ số phát triển kinh tế – xã hội khác.
Về mặt chức năng, các cường quốc hạng trung thường theo đuổi các mảng “ngoại giao chuyên biệt” (niche diplomacy), qua đó mang lại vai trò, uy tín cao vượt trội so với mức đầu tư bỏ ra. Các học giả cho rằng, điều này là do các cường quốc hạng trung có nguồn lực vừa phải nên nếu muốn tạo lập vị thế đặc biệt thì cần tập trung vào những lĩnh vực vấn đề mà các nước nhỏ khác ít chú ý tới hoặc không bị chi phối bởi các cường quốc lớn.
Trong khi đó, về mặt hành vi, các cường quốc hạng trung thường thể hiện mình là một thành viên tốt của cộng đồng quốc tế qua việc đóng góp vào các vấn đề chung của thế giới như gìn giữ hòa bình, phát triển kinh tế, hỗ trợ nhân đạo, hoặc ủng hộ chủ nghĩa đa phương, góp phần vào giải quyết các cuộc xung đột quốc tế qua vai trò trung gian hòa giải.
Phương thức cuối cùng để xác định một quốc gia có phải là một cường quốc hạng trung hay không là xem xét diễn ngôn, luận điệu hoặc bản sắc của quốc gia đó về mặt đối ngoại, bởi lẽ cách các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của một quốc gia định vị bản sắc quốc gia mình sẽ tác động lớn đến cách quốc gia đó hành xử trong hệ thống quốc tế, qua đó tác động tới cảm nhận cũng như sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với vai trò, địa vị của quốc gia đó.
Trong bốn phương thức trên, có thể nói trong khi tiêu chí định lượng mang tính khách quan, cần quá trình tích lũy thực tế và khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn, thì ba tiêu chí còn lại lại dựa nhiều vào yếu tố chủ quan, đặc biệt là nhận thức của các nhà hoạch định chính sách cũng như chiến lược đối ngoại cụ thể của mỗi quốc gia. Theo đó, có thể nói sức mạnh quốc gia là điều kiện cần, và các tiêu chí về mặt chức năng, hành vi và bản sắc đối ngoại là các điều kiện đủ để một quốc gia có thể được coi là một cường quốc hạng trung.
Trên thế giới hiện nay, các học giả và nhà phân tích thường xếp một số quốc gia nhất định vào nhóm các cường quốc hạng trung, tiêu biểu là Canada, Australia, Mexico, Bangladesh, Thụy Điển, Ghana, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Indonesia, Ai Cập, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ… Vậy Việt Nam đang ở đâu so với các cường quốc hạng trung này, và nếu so với 4 nhóm tiêu chí trên, thì Việt Nam đã có thể tự định vị mình là một cường quốc hạng trung hay chưa?
Về mặt sức mạnh cứng, so với các nước khác trên thế giới, Việt Nam đang xếp thứ 68 về diện tích, thứ 15 về dân số, thứ 46 về quy mô nền kinh tế, đồng thời cũng là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực với các chỉ số phát triển kinh tế – xã hội tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ngoài ra, với sự đầu tư đáng kể trong thời gian qua, sức mạnh quốc phòng của Việt Nam cũng đã được nâng tầm, trở thành một trong những quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu trong khu vực, nhất là Đông Nam Á. So với các quốc gia cường quốc hạng trung kể trên thì dù Việt Nam còn cần phải nỗ lực hơn nếu so với những cường quốc dẫn đầu, nhưng Việt Nam cũng không thua kém, thậm chí còn vượt trội hơn một số các quốc gia trong nhóm còn lại trên một số tiêu chí.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh vừa có cuộc hội đàm quan trọng với Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: VGP
Về mặt chức năng và hành vi, dù Việt Nam chưa xác định được một lĩnh vực “ngoại giao chuyên biệt” để thể hiện uy tín ngoại giao nổi bật của mình, nhưng Việt Nam đang từng bước thể hiện tư cách một “công dân tốt” của cộng đồng quốc tế bằng cách đóng góp nguồn lực cho các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, tích cực ủng hộ chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế hiện hành, tham gia đàm phán các hiệp định quốc tế về thương mại và đầu tư, hay đóng vai trò ngày càng tích cực trong các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc và ASEAN. Điều này nhất quán với chủ trương của ngành ngoại giao Việt Nam trong việc nâng tầm đất nước từ người chủ yếu chấp nhận luật chơi trở thành người góp phần định hình luật chơi của hệ thống quốc tế.
Một điều đáng nói khác là vai trò quốc tế của Việt Nam đang được nhiều nước công nhận và ủng hộ. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với hơn 20 quốc gia chủ chốt trên thế giới, có quan hệ hợp tác ngày càng sâu sắc và thực chất với các cường quốc chủ chốt như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… Việt Nam cũng đã được bầu vào các vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế, trong đó có thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một nhiệm kỳ và chuẩn bị ứng cử nhiệm kỳ thứ hai.
Như vậy, Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được các tiêu chí để trở thành một cường quốc hạng trung theo nhiều hơn một phương pháp định nghĩa của khái niệm này. Tuy nhiên, hiện nay bản thân Việt Nam chưa đặt ra vấn đề định vị mình là một cường quốc hạng trung trong các văn bản chính trị, đối ngoại chính thức. Vì vậy, thời gian tới, trong các diễn ngôn, văn bản chính sách của mình, Việt Nam nên chủ động định vị mình là một cường quốc hạng trung, hoặc đặt ra mục tiêu sớm trở thành một quốc gia như vậy.
Như đã nói, việc định vị bản thân là một cường quốc hạng trung sẽ là một sự định hướng quan trọng, giúp các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam có cơ sở để đưa ra những sách lược ngoại giao phù hợp nhằm không ngừng mở rộng ảnh hưởng, nâng tầm vị thế quốc tế của đất nước. Ngoài ra, việc chủ động định hình bản sắc đối ngoại dựa trên vị thế cường quốc hạng trung sẽ giúp Việt Nam thể hiện sự tự tin chiến lược lớn hơn, tạo ra vị thế quốc gia tốt hơn, dễ dàng được cộng đồng quốc tế thừa nhận hơn, đồng thời giúp Việt Nam có tư thế đàm phán tốt hơn trước các đối tác.
Vì vậy, trong thời gian tới, ngành ngoại giao Việt Nam nên cân nhắc đưa vấn đề định vị Việt Nam như là một cường quốc hạng trung vào các nghiên cứu nội bộ, văn bản chính sách hay tuyên truyền đối ngoại. Để tạo cơ sở cho việc thực thi, vấn đề này cũng nên được đưa vào các văn bản chính thức cấp cao nhất của đất nước, ví dụ như trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp tới.
TS Lê Hồng Hiệp sinh năm 1981 tại Hà Tĩnh. Ông đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ về Chính trị học tại Đại học New South Wales (Australia) tháng 12/2014. Trước đó, ông đã có thời gian công tác tại Bộ Ngoại giao Việt Nam và làm giảng viên tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. TS Lê Hồng Hiệp hiện công tác tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore. Ông đã có nhiều bài báo khoa học, các phân tích, bình luận được đăng trên các tạp chí và diễn đàn uy tín trên thế giới như Contemporary Southeast Asia, Southeast Asian Affairs, Asian Politics & Policy, ASPI Strategic Insights, ISEAS Perspective, American Review, The Diplomat hay East Asia Forum.
(VNF) - Tuyến đường được xây dựng tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h; trong giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m