Thị trường

Thủy Điện Đăkba do Vinaconex đầu tư xây dựng sắp hòa lưới điện quốc gia

(VNF) - Chưa đầy 18 tháng kể từ ngày khảo sát địa hình núi Trường Sơn, dự án đầu tư xây dựng thủy điện ĐăkBa của Tổng công ty Vinaconex đã đạt 70% sản lượng. Với tốc độ thi công “thần tốc” này, Thủy điện ĐăkBa sẽ hoàn thành vượt tiến độ và dự kiến hòa lưới điện quốc gia vào tháng 12/2022.

Thủy Điện Đăkba do Vinaconex đầu tư xây dựng sắp hòa lưới điện quốc gia

Vinaconex chỉ mất 18 tháng để chinh phục thủy điện ĐăkBa

Công trình thủy điện ĐăkBa được xây dựng trên suối ĐăkBa (tên địa phương là suối Đăk Bua) là nhánh suối cấp 1 đầu nguồn sông ĐăkĐrinh, thuộc địa giới xã Sơn Bua và xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, do Công ty Cổ phần Bách Thiên Lộc (đơn vị 100% vốn của Vinaconex) là chủ đầu tư, Vinaconex làm tổng thầu thi công.

Sơ đồ khai thác công trình gồm: đập dâng nước kết hợp đập tràn trên suối Đăk Ba, tuyến năng lượng kiểu đường dẫn bên bờ trái suối ĐăkBa (tuyến năng lượng: cửa nhận nước - hầm dẫn nước - cửa ra), hạng mục nhà máy kiểu hở nằm ngay trong khu đô thị huyện Sơn Tây và kênh xả trả nước về suối Lay chảy ra sông ĐăkĐrinh.

Theo Vinaconex, ngày 9/6/2022, mũi G5 – mũi khoan cuối cùng đã đươc hoàn thành, chính thức thông hầm toàn tuyến tại dự án thủy điện ĐăkBa.

Như vậy, Vinaconex chỉ mất 18 tháng để chinh phục “dòng sông năng lượng“ ĐăkBa, trong khi với các dự án thủy điện thông thường, thời gian thi công lên đến 3 – 5 năm chưa kể thời gian khảo sát và chuẩn bị.

Dự án thủy điện Đăkba thông hầm toàn tuyến vượt tiến độ 1 tháng

Nắm bắt được đặc điểm thời tiết khắc nghiệt và tầng đất phủ dễ sạt lở của vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, tổng thầu Vinaconex cũng đã có nhiều phương án thi công để tháo gỡ những vấn đề khó khăn. Hiện tại, Vinaconex tiếp tục đẩy nhanh tất cả các hạng mục như: hoàn thiện nhà máy, lắp đặt thiết bị, thí nghiệm, hiệu chỉnh, chạy thử, hòa đồng bộ,...

Do dự thủy điện ĐăkBa vận hành theo cột nước và hồ điều tiết ngày nên tổng quy hoạch mặt bằng của dự án chỉ chiếm 50,53ha (trong đó có 3,3ha rừng sản xuất, không có rừng tự nhiên và rừng phòng hộ), chính vì vậy dự án không có tác động lớn đến môi trường, môi sinh của địa phương.

Ngoài việc tăng tốc thi công vượt mùa mưa lũ, Vinaconex cũng đặc biệt chú trọng công tác phục hồi và bảo vệ môi trường. Hệ thống cỏ taluy được trồng khẩn trương phủ xanh các khu vực nhà máy, đập. Cây cối cũng được ưu tiên trồng sớm để đến khi vận hành sẽ có 1 hệ sinh thái xanh sạch.

Tháng 6/2022, ban điều hành dự án thủy điện ĐăkBa cũng đã có dịp đón đoàn công tác đến từ một tập đoàn lớn của Nhật Bản thăm và làm việc tại dự án. Theo đánh giá của đoàn công tác, thủy điện ĐăkBa là một dự án có chất lượng tốt, Vinaconex có kế hoạch làm việc rõ ràng, luôn lường trước được những khó khăn và khắc phục vấn đề trong quá trình thi công.

Hiện nay dự án thủy điện ĐăkBa đã đạt 70% sản lượng, dự kiến hòa lưới điện quốc gia vào tháng 12/2022. Khi hoàn thành, thủy điện ĐăkBa có công suất lắp máy 30MW, điện năng trung bình năm 100,43 triệu kWh, nhà máy sẽ tạo ra doanh thu khoảng 130 tỷ đồng/năm, nộp hơn 20 tỷ đồng vào ngân sách địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội và dịch chuyển cơ cấu kinh tế của huyện Sơn Tây, vốn là một huyện miền núi vùng sâu, còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án thủy điện ĐăkBa của Vinaconex phấn đấu hòa lưới điện quốc gia vào tháng 12/2022

Được biết, sau quá trình tái cơ cấu vốn chủ sở hữu, Vinaconex đang tập trung vào 3 lĩnh vực chính là xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính. Vinaconex đang tham gia thi công nhiều công trình quy mô lớn, đòi hỏi tính kỹ - mỹ thuật cao như Nhà ga hành khách T2 Sân bay Phú Bài, dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, một số gói thầu lớn của cao tốc Bắc – Nam phía Đông, khu đô thị du lịch Cát Bà - Amatina….Mới đây, Vinaconex cũng đã bàn giao công trình Khách sạn Mikazuki, Đà Nẵng – một công trình cầu nối hữu nghị Việt – Nhật cho Tập đoàn Mikazuki, Nhật Bản.

Tin mới lên