Tiền 'ế' và thế khó của Ngân hàng Nhà nước

Ái Nhi - 04/07/2023 23:02 (GMT+7)

(VNF) - Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, khiến cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãi suất liên tục giảm nhưng dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế lại rất thấp.

VNF
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Trả lời báo chí về vấn đề lãi suất liên tục giảm nhưng dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế lại rất thấp tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất 4 lần từ 0,5%-2%.

Tính đến hết tháng 6, lãi suất huy động bình quân giảm 0,7-0,8%, lãi vay giảm 1-1,2%. Các ngân hàng thương mại cổ phần vốn nhà nước đi đầu trong việc giảm lãi suất, nhiều ngân hàng công bố mức giảm rất sâu. Xu hướng chung, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục hạ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Tú cũng thừa nhận dù lãi suất đã giảm song dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo kỳ vọng cả năm 2023 là 14 - 15%. Trong đó, dư nợ cho vay khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, dư nợ tiền gửi là 12,6 triệu tỷ đồng.

“Room (hạn mức) tín dụng cả năm đã giao 11% nhưng đến nay mới đạt 4,2%, cho thấy dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng cho vay”, Phó thống đốc cho biết.

Theo ông Tú, nếu nói "ế" tiền cũng không hẳn, mà là tốc độ tín dụng đang tăng trưởng chậm lại. Một số nước tăng trưởng tín dụng còn âm, dù Việt Nam hạ lãi suất lẽ ra tín dụng phải tăng, nhưng thực tế có câu chuyện tăng tín dụng chậm trong khi lãi suất giảm nhanh.

Lý giải lý do dẫn đến tình trạng khác thường về tín dụng so với các năm, ông Tú cho rằng tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, như vậy cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.

Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định.

Ngoài ra, thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỉ lệ rủi ro thấp.

Cũng theo ông Tú, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn. Vấn đề này, Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành ngân hàng đang quyết liệt tháo gỡ.

"Hiện nay có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có thể trả nợ được không, nguyên tắc tối thiểu ngân hàng cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, có doanh nghiệp, ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay", ông Tú nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác