Tiến lên phía trước và leo cao hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu
(VNF) - Trong những năm gần đây, chuỗi cung ứng toàn cầu đã có sự thay đổi lớn, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, cơ hội cũng mở ra cho nhiều quốc gia khác. Trong đó, các quốc gia láng giềng sẽ không đứng ngoài cuộc.
FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng
Theo ông Mohammad Mudasser - Giám đốc, Quản lý vốn lưu động thuộc PwC Việt Nam,trong những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên như một điểm nóng về thu hút FDI, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong dòng vốn toàn cầu. Dự báo, thời gian tới, FDI vào Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng.
Vị chuyên gia này cho biết, dự báo này dựa trên 4 yếu tố chính bao gồm: Các khoản đầu tư nổi bật và trọng tâm chiến lược, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, kết nối toàn cầu và các hiệp định thương mại, sản xuất giá trị tăng cao và tăng trưởng xuất khẩu.
Thứ nhất, về các khoản đầu tư nổi bật và trọng tâm chiến lược. Việt Nam đang có chiến lược thu hút FDI công nghệ cao đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các khoản đầu tư nổi bật, như khu phức hợp sản xuất của Samsung tại Bắc Ninh, cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip của Intel tại TP HCM, nhà máy điện tử của LG tại Hải Phòng, nhà máy của Quanta Computer Inc tại Nam Định cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam như một trung tâm sản xuất. Các công ty Trung Quốc trong ngành dệt may và điện tử cũng đang chuyển đến Việt Nam.
Thứ hai, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Nỗ lực toàn cầu để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc là một yếu tố quan trọng thúc đẩy FDI đến Việt Nam. Khi các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, Việt Nam đã nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn do vị trí gần Trung Quốc, thị trường lao động cạnh tranh về chi phí và cơ sở hạ tầng đang cải thiện.
Thứ ba, kết nối toàn cầu và các hiệp định thương mại. Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp tăng cường kết nối toàn cầu và đạt 159% GDP vào năm 2023.
Thứ tư, sản xuất giá trị tăng cao và tăng trưởng xuất khẩu. Ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam, chiếm 25% GDP, đã phát triển đáng kể nhờ FDI, cho phép sản xuất các hàng hóa phức tạp và có giá trị gia tăng cao hơn. Xuất khẩu công nghệ cao tăng từ 4% ở năm 2003 lên 40% vào năm 2023. Tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa của các mặt hàng xuất khẩu này đã tăng lên 16%, với 44% tổng số mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng nội địa. Tốc độ tăng trưởng này cho thấy Việt Nam ngày càng có khả năng đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bất chấp các xu hướng tích cực kể trên, vị chuyên gia này cũng thẳng thắn cho rằng, Việt Nam vẫn gặp phải một số thách thức khi tiến tới sản xuất hàng hoá có giá trị gia tăng cao hơn.
Các thách thức đó bao gồm: Tay nghề lao động chưa đáp ứng nhu cầu của các quy trình sản xuất phức tạp, giá trị cao, đòi hỏi kỹ năng nâng cao. Cơ sở hạ tầng kém có thể làm xói mòn lợi thế về chi phí mà Việt Nam mang lại. Rủi ro ngoại tệ do hội nhập có thể ảnh hưởng đến ổn định tài chính và hoạt động chuỗi cung ứng. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quy định và cấp phép cũng như đảm bảo ra quyết định kịp thời là rất quan trọng để duy trì đà tăng của dòng FDI.
Cơ hội không dành riêng cho Việt Nam
Cũng theo ông Mohammad Mudasser, trong những năm gần đây, hoạt động thương mại toàn cầu đã trải qua một thay đổi lớn.
Từng là "nhà máy của thế giới", Trung Quốc hiện đang chứng kiến doanh nghiệp dần mang dây chuyền sản xuất và hoạt động thương mại sang nước láng giềng Việt Nam.
Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các yếu tố kinh tế, chính trị và chiến lược, khiến Việt Nam trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn cho các doanh nghiệp toàn cầu.
“Việt Nam đã nổi lên như một điểm đến phổ biến nhất trong khu vực Mekong. Dựa trên các dữ liệu có sẵn, sau đại dịch, khoảng 50 công ty đa quốc gia đã và đang xem xét chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác bao gồm Việt Nam”, ông Mohammad Mudasser cho biết.
Đồng thời, sự chuyển dịch thương mại từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng nhấn mạnh tính năng động của thương mại toàn cầu và các yếu tố thúc đẩy quyết định kinh doanh. Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các mạng lưới sản xuất và thương mại thế giới.
Đồng quan điểm, tuy nhiên ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cũng lưu ý rằng, cơ hội từ sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu cũng mở ra cho nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Việt Nam.
“Các quốc gia láng giềng sẽ không đứng ngoài cuộc. Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia đang triển khai những hành động, luật và nghị định liên quan cũng như các biện pháp ủng hộ nhà đầu tư để thu hút thêm FDI. Sự cạnh tranh là rất cao”, Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam nhấn mạnh.
Do đó, với Việt Nam, điều quan trọng nằm ở việc tiến lên phía trước và leo cao hơn nữa trong chuỗi giá trị gia tăng, cũng như để hoàn thiện các lĩnh vực giá trị gia tăng nội địa.
“Thông điệp rất rõ ràng và cơ hội càng rõ ràng hơn. Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng. Đón làn sóng đầu tư mới là vì lợi ích của Việt Nam và sẽ hỗ trợ Việt Nam tiến cao hơn trong thang giá trị gia tăng của các ngành và lĩnh vực”, ông Joon Suk Park kết luận.
Việt Nam hội đủ điều kiện đón ‘sóng’ công nghiệp bán dẫn toàn cầu
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.