Tài chính xanh:

Chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng khắt khe, Việt Nam cần hành động kịp thời

Kỳ Thư - 23/09/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Chuyên gia ADB cho rằng, thách thức lớn nhất của Việt Nam là hành động kịp thời. Mặc dù, đã có những định hướng, chủ trương lớn phù hợp với xu thế, thực tế phát triển môi trường pháp lý và các chính sách thúc đẩy phát triển và chuyển dịch kinh tế xanh, tài chính xanh vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa kịp thời.

Trao đổi cùng Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nhấn mạnh 98% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, do đó, việc tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận tài chính xanh cần được xem là một ưu tiên chính sách quan trọng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

- Một cách tổng quan, ông nhìn nhận thế nào vai trò của tài chính xanh?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Trước hết, chúng ta cần nhắc tới chức năng cốt lõi của tài chính, đó là cung cấp vốn cho nền kinh tế. Nói một cách đơn giản, là chức năng chuyển tiền đến đúng đối tượng để họ có thể thực hiện các hoạt động kinh tế.

Tài chính xanh là một bộ phận trong hệ thống thị trường tài chính, trong đó bên cạnh chức năng tín dụng còn có thêm chức năng theo dõi hoạt động kinh tế đáp ứng các tiêu chí xanh được các tổ chức tín dụng tài trợ, hướng tới hoàn thành các mục tiêu quốc gia về khí hậu và môi trường.

Nói rộng ra, tài chính xanh là bất kỳ hoạt động tài chính nào được cấu trúc nhằm cải thiện môi trường, bao gồm việc tài trợ cho sản xuất không phát thải carbon, mua bán hàng hóa, cung cấp và sử dụng dịch vụ thân thiện với môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh phát triển nguồn năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng… Với vai trò như vậy, tài chính xanh đã và đang là xu hướng chủ đạo của tài chính và đầu tư toàn cầu.

Điều kiện tiên quyết để phát triển tài chính xanh sâu rộng là phát triển kinh tế xanh, qua đó gắn liền mục tiêu tăng trưởng với các mục tiêu môi trường và khí hậu có khả năng đo đếm được. Khi có cơ sở xác định các hoạt động kinh tế xanh, thì các khoản tài trợ cho lĩnh vực này sẽ đáp ứng được các tiêu chí tài chính xanh.

Do đó, phát triển tài chính xanh là công cụ, biện pháp hữu hiệu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với các mục tiêu đối phó biến đổi khí hậu, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn.

Tài chính xanh đang thay đổi cách thức hoạt động của thị trường tài chính, hướng các nguồn lực đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh. Các quốc gia đang xây dựng chính sách phát triển tài chính xanh như thế nào, thưa ông?

Về nguyên tắc, chính sách phát triển tài chính xanh bắt nguồn từ các chính sách phát triển kinh tế xanh và liên quan đến các nguồn tài chính cho các hoạt động kinh tế xanh.

Trên thế giới, có hai xu hướng chính trong việc xây dựng chính sách tài chính xanh: một là tiếp cận theo thị trường và hai là tiếp cận dựa trên các ưu tiên chính sách. Cả hai phương pháp này đều bắt đầu từ các biện pháp tự nguyện như tự giám sát, báo cáo và đánh giá độc lập, sau đó chuyển sang các biện pháp quản lý, yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt hơn.

Năm 2019, Ủy ban châu Âu (EC) đạt được Thỏa thuận Xanh châu Âu quy định rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ trung hòa carbon vào năm 2050. Để tài trợ cho Thỏa thuận xanh, EC đã ước tính đầu tư khoảng 1 nghìn tỷ euro. Đây là khoản đầu tư lớn, tuy nhiên vẫn chưa đủ cho quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế EU, vì thế vẫn cần các chính sách khuyến khích tài chính và khung pháp lý phù hợp để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân.

EU đã có những cải thiện đáng kể về khung pháp lý bằng cách thiết lập hệ thống phân loại chính xác, nâng cao tính minh bạch cho cả doanh nghiệp và các tổ chức tài chính cũng như sửa đổi các quy định của thị trường tài chính với các mục tiêu môi trường và trách nhiệm xã hội – vẫn hay được nhắc đến nhất là Khuôn khổ kinh tế xanh (EU Taxonomy) và biện pháp thuế carbon với một số hàng nhập khẩu (CBAM). Đây là các biện pháp tiếp cận thị trường, dùng các động lực thương mại để thúc đẩy các hoạt động kinh tế xanh và qua đó phát triển thị trường tài chính xanh.

Hoặc như trường hợp của Hàn Quốc cũng tiếp cận theo hướng thị trường. Việc phát triển tài chính xanh bắt đầu từ năm 2009 với các cuộc thảo luận về xây dựng các chính sách liên quan đến tài trợ cho tăng trưởng xanh cũng như những ngành công nghiệp xanh. Về chính sách phát triển tài chính xanh, Hàn Quốc đã đưa ra hệ thống công bố thông tin môi trường và chương trình mua bán phát thải (ETS) vào năm 2013 và 2015 với mục đích giảm thiểu một cách có hiệu quả lượng phát thải khí nhà kính của các công ty thông qua cơ chế thị trường vốn. Cùng với nguồn tài chính xanh của khu vực tư nhân, chính phủ Hàn Quốc đang hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đang chuyển hướng trở nên thân thiện hơn với môi trường hoặc tiết kiệm năng lượng thông qua các chương trình tín dụng với lãi suất thấp.

Được cho là quốc gia có cách tiếp cận ưu tiên chính sách, Trung Quốc đã đầu tư vào một số ngành kinh tế xanh với các biện pháp chính sách ưu đãi, tạo nên sự phát triển tương đối nhanh hơn các ngành kinh tế khác, đồng thời tạo không gian rộng rãi hơn cho tài chính xanh phát triển theo.

Các mô hình đều có những thành công và thách thức nhất định. Thành công được thể hiện cụ thể ở sự phát triển nhanh của tài chính xanh và kinh tế xanh, tuy nhiên cách tiếp cận thị trường sẽ có hạn chế về quy mô và tốc độ, trong khi cách tiếp cận chính sách sẽ phụ thuộc vào mức độ ưu đãi của các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh.

- Theo ông, đâu là những thách thức chính trong quá trình thúc đẩy tài chính xanh tại các quốc gia?

Mỗi quốc gia sẽ gặp những thách thức khác nhau tùy thuộc vào xuất phát điểm của nền kinh tế cũng như mức độ phát triển của thị trường tài chính và cách tiếp cận chính sách trong việc thúc đẩy phát triển tài chính xanh.

Đầu tiên, phải khẳng định việc phát triển hệ thống chính sách và quy định là yếu tố quan trọng để thúc đẩy thị trường hướng tới các hoạt động kinh tế xanh và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này. Mặc dù xu hướng chuyển dịch kinh tế xanh đã phổ biến trên toàn cầu và trong khu vực trong hơn một thập kỷ qua, các quốc gia vẫn có sự khác biệt lớn về mức độ coi trọng và ưu tiên cho vấn đề này.

Bên cạnh môi trường chính sách, chuyển biến của thị trường cũng là yếu tố quan trọng, trong đó lợi thế tài chính của việc “xanh hóa” có thể chưa đủ hấp dẫn, còn chi phí thể hiện sự đáp ứng đầy đủ các tiêu chí xanh có thể làm giảm hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Các cơ hội gắn kết việc “xanh hóa” với nâng cao hiệu quả kinh doanh, đặc biệt thông qua ứng dụng các công nghệ mới, vừa đòi hỏi nguồn vốn xanh có ưu đãi, vừa có cơ hội tạo ra các mô hình mẫu để tạo chuyển biến sâu rộng hơn trên thị trường. Đây là một thách thức lớn.

Cuối cùng, để tài chính xanh phát huy được chức năng quan trọng trong việc nâng cao tính bền vững của môi trường, chất lượng thông tin về các sản phẩm tài chính xanh, các dự án xanh phải được cải thiện hơn nữa. Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã và đang nỗ lực chuẩn hóa các yêu cầu công bố thông tin về hiệu quả môi trường của các sản phẩm tài chính xanh, dự án xanh, góp phần nâng cao tính minh bạch và toàn diện về tính bền vững về môi trường.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được tiếp cận tài chính xanh.

- Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phát triển tài chính xanh. Trong giai đoạn này, theo ông, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là gì?

Tài chính xanh ở Việt Nam đã có những bước phát triển ban đầu khá tích cực. Theo đánh giá mới nhất của ADB, giá trị trái phiếu bền vững (bao gồm trái phiếu xanh) ở Việt Nam đạt khoảng 0,8 tỷ USD, khoảng 3-4% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Đây là mức khá khiêm tốn, cho thấy còn nhiều việc phải làm để phát triển tài chính xanh mạnh mẽ hơn.

Thách thức lớn nhất của Việt Nam là hành động kịp thời. Mặc dù, đã có những định hướng, chủ trương lớn phù hợp với xu thế, thực tế phát triển môi trường pháp lý và các chính sách thúc đẩy phát triển và chuyển dịch kinh tế xanh, tài chính xanh vẫn còn chậm, thiêu đồng bộ và chưa kịp thời. Điều này hạn chế cơ hội chuyển dịch quy mô lớn các hoạt động kinh tế phù hợp với các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã đề ra.

Một thách thức nữa cần phải đề cập đến là đặc thù của thị trường. Thị trường tài chính Việt Nam nói chung đã đạt nhiều tiến bộ trong vài thập kỷ vừa qua, nhưng vẫn chưa phát triển sâu rộng để có cơ chế huy động và phân bổ vốn hiệu quả, chưa có nhiều sản phẩm tài chính đa dạng để đáp ứng được nhu cầu vốn, đặc biệt là vốn dài hạn cho các dự án xanh. Sự phối hợp quản lý và khuyến khích các khu vực khác nhau của thị trường tài chính, thị trường vốn còn chưa phối hợp đồng bộ.

Về tài chính xanh nói riêng, các sản phẩm tài chính xanh chưa nhiều, và chưa có nhiều thành tố khuyến khích chuyển dịch sang các hoạt động xanh, dẫn đến lợi ích kinh tế của tài chính xanh so với tài chính thông thường còn hạn chế. Nếu cải thiện được các yếu tố này, tài chính xanh ở Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn ở quy mô lớn hơn, mang lại lợi ích cho tăng trưởng, môi trường, khí hậu và cả khu vực tài chính.

- Ngoài những vấn đề trên, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy tài chính xanh phát triển mạnh mẽ?

Kinh nghiệm đáng giá nhất từ tất cả các mô hình phát triển tài chính xanh trong khu vực và thế giới đều nhấn mạnh vai trò mạnh mẽ của chính phủ trong việc phát triển và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tăng trưởng xanh, chuyển dịch xanh và tài chính xanh, đồng thời cân nhắc biện pháp tài khoá phù hợp làm đòn bẩy để tạo động lực thúc đẩy thị trường tài chính xanh.

Các bài học thành công trong phát triển tài chính xanh đã cho thấy cần kết hợp hiệu quả các biện pháp tập trung đẩy mạnh quá trình “xanh hoá” với các cải cách kinh tế căn bản, toàn diện, từ phát triển đầy đủ các thị trường tài chính và vốn, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, đến nâng cao góc độ cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết tranh chấp hiệu quả, cũng như nâng cấp các hệ thống thu thập dữ liệu, quản lý thẩm định và đánh giá kết quả đóng góp cho các mục tiêu môi trường, khí hậu.

Một điểm mới nữa cần ưu tiên là từng bước định giá carbon trong các hoạt động kinh tế nói chung, thông qua phát triển hệ thống chứng nhận tín chỉ carbon và thị trường carbon, qua đó tạo ra nguồn thu bổ sung và khuyến khích gia tăng hiệu quả các hoạt động có lợi cho môi trường, khí hậu.

Với đặc điểm 98% tổng số các doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, việc tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận tài chính xanh cần được xem là một ưu tiên chính sách quan trọng trong thời gian tới. Lý do là nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chuyển đổi sang các hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường thì phải đối mặt với những khó khăn bởi các quy định ngày càng ngặt nghèo hơn về môi trường đối với chuỗi cung ứng xuất khẩu toàn cầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn trong tiếp cận và hưởng lợi từ tài chính xanh do xếp hạng tín dụng thấp.

Cuối cùng, cần tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, tiếp thu những bài học kinh nghiệm, những cách tiếp cận có hiệu quả để phát triển tài chính xanh, đồng thời mở rộng khả năng huy động nguồn lực cho các dự án xanh. Một số các thể chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng có vai trò tích cực và có thể cung cấp các khoản vay xanh cho Chính phủ, các địa phương, và doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2021-2023, ADB đã ký 3 khoản vay xanh cho các doanh nghiệp ở Việt Nam trong các lĩnh vực điện mặt trời, điện gió và ô tô điện.

-Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tìm nguồn tài chính xanh: Doanh nghiệp vướng từ khâu chuẩn bị

Tìm nguồn tài chính xanh: Doanh nghiệp vướng từ khâu chuẩn bị

Đầu tư
(VNF) - Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi để đủ điều kiện huy động vốn xanh. Tuy nhiên, trong quá trình này, DN phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí là ngay từ khi khâu chuẩn bị.
Cùng chuyên mục
Tin khác