Tìm nguồn tài chính xanh: Doanh nghiệp vướng từ khâu chuẩn bị
(VNF) - Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi để đủ điều kiện huy động vốn xanh. Tuy nhiên, trong quá trình này, DN phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí là ngay từ khi khâu chuẩn bị.
Trao đổi tại tọa đàm “Triển vọng phát triển Tài chính xanh” do VietnamFinance tổ chức mới đây, các chuyên gia tài chính, kinh tế cũng như đại diện doanh nghiệp đều đồng thuận rằng, trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế, việc dẫn vốn xanh từ nước ngoài vào Việt Nam rất quan trọng.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi xanh để tiếp cận dòng vốn này. Tuy nhiên, trong quá trình huy động vốn xanh từ nước ngoài, họ cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
Nên bắt đầu từ đâu?
Từ góc độ của một doanh nghiệp đã nhận vốn xanh từ tổ chức quốc tế, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Tài chính của Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN Group) chia sẻ: “Bản thân PAN Group hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - thuỷ sản, với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu và Mỹ. Đây là hai thị trường yêu cầu rất khắt khe đối với các tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị. Do đó, ngay từ đầu, ban quản trị đã đặt nền móng hàng đầu là phát triển bền vững. Đây cũng là cơ sở quan trọng để PAN Group đã tiếp cận các định chế tài chính quốc tế và huy động vốn xanh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tại Việt Nam, các định chế tài chính quốc tế đang triển khai 2 sản phẩm, bao gồm: sản phẩm tài chính xanh dành cho các doanh nghiệp có dự án xanh lớn và sản phẩm tài chính xanh yêu cầu các doanh nghiệp cam kết giảm phát thải theo các tiêu chí ESG. Hiện tại, PAN Group đang theo đuổi cả 2 sản phẩm này.
Chia sẻ kinh nghiệm huy động vốn xanh, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng có 2 yếu tố cần lưu ý. Thứ nhất, nguồn vốn có tính chủ động và sẽ tự chảy đến doanh nghiệp phù hợp. Thứ hai, nếu muốn tiếp cận các định chế tài chính, bản thân doanh nghiệp phải có nền tảng nhất định về phát triển bền vững cũng như quản trị bền vững - điều mà đại diện PAN Group đánh giá là “doanh nghiệp Việt Nam đôi khi chưa có sẵn”.
Các doanh nghiệp cần sớm có tư duy chuyển đổi xanh, thực hành nghiêm túc về phát triển bền vững, chủ động thực hiện báo cáo phát triển bền vững.
Chẳng hạn, tại PAN Group, trong suốt 10 năm qua, doanh nghiệp này đã duy trì thực hiện báo cáo phát triển bền vững và nâng dần tiêu chuẩn báo cáo của mình. Không chỉ hệ thống báo cáo, toàn bộ thông tin được công bố qua nền tảng của doanh nghiệp đều được thực hiện song ngữ và luôn cập nhật với mọi chuyển động của doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế dễ dàng tiếp cận thông tin về Tập đoàn.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch IIA Việt Nam cho biết: “Trong dòng chảy tài chính xanh, các quỹ đầu tư cần đảm bảo làm sao để tiền chảy vào đúng chỗ".
Ông Tuấn vừa chia sẻ, doanh nghiệp phải thể hiện rằng họ xanh. Xanh ở đây, theo tôi, không chỉ là vấn đề môi trường, mà rộng hơn là vấn đề ESG và phát triển bền vững. Tiền chảy vào doanh nghiệp không chỉ đơn thuần vì họ xanh mà còn vì họ đạt được sự cân bằng, có sự cam kết và xã hội và phương thức quản trị”.
Theo Chủ tịch IIA Việt Nam, những thông tin nói trên phải được minh bạch và công bố định kỳ trong các báo cáo phát triển bền vững. Trước hết là để để các quỹ đầu tư tiến hành thẩm định và cho vay vốn. Sau khi rót vốn, các báo cáo này là cơ sở để các bên hữu quan nhìn thấy cam kết “xanh”, “bền vững” của doanh nghiệp.
Về yêu cầu đối với sự chuẩn bị của doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Hùng lưu ý: “Bản thân doanh nghiệp phải có mong muốn thực hiện, có sự cam kết trừ trên xuống dưới, trước hết là từ phía HĐQT. Trên cơ sở cam kết đó xây dựng các chỉ tiêu đo lường, KPI, đặt ra những biện pháp kiểm soát nhất định. Doanh nghiệp cũng cần có đội ngũ kiểm toán nội bộ là kiểm chứng thông tin trên cơ sở hệ thống đo lường và tiến hành xác nhận trong doanh nghiệp, để đảm bảo báo cáo cuối cùng đến cho nhà đầu tư và cơ quan quản lý là đúng”.
Vị chuyên gia cho rằng, nếu không có hệ thống kiểm soát mà đến cuối kỳ mới đánh giá, doanh nghiệp sẽ không thể loại bỏ khả năng “trượt” khỏi mục tiêu đã đề ra và nảy sinh động cơ “làm đẹp” số liệu, dẫn tới nguy cơ “tẩy xanh”.
“Muốn hút vốn xanh, doanh nghiệp phải có chiến lược và định hướng cụ thể. Không phải nay nói xanh thì mai có thể xanh được ngay. Khi đã bị mang tiếng là “tẩy xanh” thì rất khó sửa và rất khó tìm “bạn” để chơi””, ông Hùng nói.
Chờ bộ khung báo cáo phát triển bền vững
Tuy nhiên, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng, trong quá trình huy động vốn xanh, ngay từ khâu chuẩn bị, các doanh nghiệp đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo ông Hoàng Đức Hùng, hạn chế lớn nhất là Việt Nam chưa có khung báo cáo về phát triển bền vững, về xanh. Đây cũng là điều mà đại diện PAN Group và EVNFinance nêu trong Toạ đàm.
“Các bên cho vay có tiêu chí của họ. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng cần xây dựng khung báo cáo phát triển bền vững để khi doanh nghiệp công bố ra ngoài, chúng ta có thể so sánh và hiểu được. Phương pháp luận, công cụ đo lường cũng cần phải được chuẩn hoá để doanh nghiệp có được sự chuẩn bị tốt nhất”, ông Hùng nói.
Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam chưa có quy định cụ thể, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động thực hiện theo khung hoặc chuẩn quốc tế theo các cách tiếp cận/các chiều khác nhau như GRI, CDP, TCFD, SASB, CSRD hay UCSD.
Bà Phạm Thị Minh Hương - Phó Giám đốc, Dịch vụ Phát triển bền vững và Chống biến đổi khí hậu, Deloitte Việt Nam cho hay, việc chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu để đo lường hiệu quả ESG tạo ra rào cản lớn cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn xanh.
“Trên thực tế, các doanh nghiệp đã và đang làm về ESG một cách “tương đối” nhưng nhiều doanh nghiệp còn loay hoay, chưa biết cách báo cáo, trình bày về những gì mình đang làm do chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu. Chính vì thế, đến khi có một đơn vị khác vào thẩm tra, doanh nghiệp lại không có đủ cơ sở, chứng từ để chứng minh những gì đã làm, thậm chí có thể bị hiểu nhầm thành “greenwashing” (tẩy xanh)”, bà Hương nêu vấn đề.
Bà Hương nhấn mạnh, cần thiết lập một khung pháp lý rõ ràng về phát triển bền vững và ESG sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả hơn.
Về giải pháp, đại diện Deloitte kiến nghị các tổ chức hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp, các hiệp hội ngành nghề cần đóng vai trò quan trọng trong truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức liên quan đến chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng một nền tảng, hệ thống công khai, minh bạch, rõ ràng, chính xác để tạo dựng niềm tin. “Doanh nghiệp không nên chỉ dựa vào mỗi cơ sở dữ liệu mà phải thuyết phục được nhà đầu tư thông qua những cam kết, tiếng nói từ phía lãnh đạo về việc thực hành phát triển bền vững”, bà Hương nhấn mạnh.
Tài chính carbon: Vẫn còn 'vướng trên, kẹt dưới'
- 'Cần một chính sách đột phá để phát triển tài chính xanh' 06/08/2024 01:47
- Khơi dòng tài chính xanh, hiện thực hóa mục tiêu lớn 06/08/2024 01:30
- 'Thúc đẩy tài chính xanh là ưu tiên dài hạn của UBCKNN' 06/08/2024 09:00
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.