'Thúc đẩy tài chính xanh là ưu tiên dài hạn của UBCKNN'

Tùng Lâm (thực hiện) - 06/08/2024 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương khẳng định việc thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn của UBCKNN. Trong đó, phát triển thị trường vốn xanh là một trong những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Thị trường vốn đang đứng trước một cuộc cách mạng xanh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về đầu tư bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Xanh hoá thị trường vốn không chỉ là một xu hướng tạm thời, mà nó đã trở thành một yêu cầu thiết yếu cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đề ra. Bà có thể chia sẻ tầm nhìn của UBCKNN về vai trò của thị trường vốn trong việc thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam?

Bà Vũ Thị Chân Phương: Phát triển bền vững là sự kết hợp hài hòa giữa ba trụ cột chính: Phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là một trong những mục tiêu mà hầu hết các quốc gia trên thế giới hướng đến, với cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Nhằm thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 trong đó, đặt ra mục tiêu tổng quát là “tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh”. Tiếp theo đó, ngày 22/7/2022, Quyết định số 882/QĐ-TTg đã được ban hành phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Với nền tảng này, các Bộ, ngành tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững mà Chính phủ đặt ra.

Việc thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn của UBCKNN. Trong đó phát triển thị trường tài chính xanh nói chung và thị trường vốn xanh nói riêng là một trong những mục tiêu đặt ra của UBCKNN trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030, tạo kênh huy động vốn phục vụ cho việc triển khai các dự án hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Thị trường vốn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam. Thị trường vốn nói chung và TTCK nói riêng là kênh huy động vốn, nguồn tài chính cần thiết cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, xanh và các dự án bảo vệ môi trường khác. Điều này giúp làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng không tái tạo và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Bên cạnh việc tài trợ cho các dự án xanh, thị trường vốn cũng cung cấp các sản phẩm tài chính xanh như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh và quỹ đầu tư bền vững. Qua đó, thị trường vốn hướng dòng tiền đầu tư vào các doanh nghiệp và dự án phục vụ, tham gia vào kinh tế xanh ở Việt Nam, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Trong thời gian qua, UBCKNN đã tích cực kêu gọi sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đồng thời nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh tài chính bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị công ty và công bố thông tin gắn với các tiêu chí ESG, nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức của cả cơ quan quản lý lẫn các thành viên thị trường, nhà đầu tư về các công cụ tài chính xanh và phát triển bền vững.

- Bà đánh giá thế nào về mức độ quan tâm hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp niêm yết đối với hoạt động phát triển kinh tế xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh?

Các tổ chức quốc tế ghi nhận trong giai đoạn 2021-2023, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong việc xây dựng khung pháp lý và thúc đẩy các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xanh nói chung và thị trường trái phiếu xanh nói riêng. Tuy nhiên, quy mô thị trường các sản phẩm tài chính xanh, bền vững tại Việt Nam còn tương đối nhỏ so với các nước trong khu vực.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) xanh, trên thị trường đã xuất hiện những tín hiệu mới đáng khích lệ, như gần đây đã có hai doanh nghiệp Việt Nam là EVNFinance phát hành đợt trái phiếu xanh đầu tiên có giá trị 1.725 tỷ đồng (tương đương 75 triệu USD) và Ngân hàng BIDV đã trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh theo Nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA tại thị trường trong nước có giá trị 2.500 tỷ đồng.

Về phát hành trái phiếu xanh quốc tế, có công ty Vinpearl phát hành thành công 425 triệu USD trái phiếu bền vững, BIM Land phát hành thành công 200 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.

Có thể thấy, các thành viên tham gia thị trường, nhà đầu tư, công ty tư vấn phát hành và tổ chức phát hành tiềm năng đều quan tâm và đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường này. Tuy nhiên, tất cả chỉ đang dừng ở bước đầu tìm hiểu sản phẩm, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ xây dựng hệ thống, phát triển năng lực nội tại của tổ chức để có thể tiến tới mục tiêu huy động, phát hành trái phiếu bền vững trong thời gian tới.

Thị trường vốn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam

- Cơ quan quản lý đã có những chính sách cụ thể nào để khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh và thu hút nguồn vốn từ các quỹ đầu tư xanh, thưa bà?

Phát triển thị trường tài chính xanh nói chung và thị trường vốn xanh nói riêng là một trong những mục tiêu đặt ra của UBCKNN nhằm tạo kênh huy động vốn phục vụ cho việc triển khai các dự án hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Nhiều văn bản pháp quy điều chỉnh tài chính bền vững đã được ban hành tạo tiền đề và thúc đẩy sự phát triển của trái phiếu xanh tại Việt Nam như: Luật Bảo vệ Môi trường 2020; Nghị định số 95/2018 quy định về phát hành đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên TTCK; Nghị định số 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của Chính quyền địa phương; Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK.

Năm 2021, UBCKNN với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và nhóm Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI) đã ban hành cuốn Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững với mục tiêu cung cấp hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức phát hành và các thành viên khác trên thị trường thực hiện việc phát hành các loại trái phiếu nói trên.

Tính đến hiện tại, một số chính sách ưu đãi đối với trái phiếu xanh đã được ban hành. Theo quy định tại Thông tư số 101/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ sau: Đăng ký niêm yết, quản lý niêm yết, giao dịch, đăng ký chứng khoán, hủy đăng ký chứng khoán một phần, lưu ký chứng khoán. Ngoài ra, theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương phát hành được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc phát triển thị trường trái phiếu xanh, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với các nguồn thu nhập phát sinh từ trái phiếu xanh cũng đang được Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xem xét.

Trong những năm gần đây, đặc biệt tại châu Á, các quỹ đầu tư xanh và bền vững đang ngày càng phổ biến và rộng rãi trong cộng đồng các nhà đầu tư. Để phát triển thị trường quỹ đầu tư xanh, thị trường cần phải có các chỉ số xanh để theo dõi, có thông lệ về công bố thông tin về tác động môi trường và có đủ tính thanh khoản.

Trên cơ sở đó, tại Việt Nam, cuối tháng 3/2017, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) công bố Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) và chính thức đưa vào vận hành từ cuối tháng 7/2017. Chỉ số này hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững cho các doanh nghiệp niêm yết và hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đồng hành cùng các doanh nghiệp hướng đến đặc tính “xanh”. Cổ phiếu của những doanh nghiệp này phải gắn với xu hướng phát triển bền vững của nền kinh tế, đảm bảo về môi trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng TTCK và nền kinh tế.

Chỉ số này có thể được sử dụng làm tiêu chuẩn giúp làm rõ mối quan hệ giữa tình hình thực hiện ESG và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Chỉ số này cũng khuyến khích các doanh nghiệp đạt được các chỉ tiêu về công bố thông tin hoặc thực hiện ESG để được đưa vào rổ chỉ số, tăng nhận diện thương hiệu và thúc đẩy quan hệ với nhà đầu tư.

- UBCKNN có kế hoạch gì về việc lập sàn giao dịch riêng dành cho chứng khoán xanh hay không?

Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg đã đưa ra các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh, nghiên cứu, triển khai đa dạng các công cụ tài chính xanh phù hợp với trình độ phát triển của TTCK; áp dụng thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững trong lĩnh vực chứng khoán…

Theo đó, tùy thuộc vào trình độ phát triển của TTCK, UBCKNN sẽ nghiên cứu các giải pháp để thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư vào các công cụ tài chính xanh phù hợp với quy định pháp luật.

Cuối tháng 3/2017, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) công bố Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) và chính thức đưa vào vận hành từ cuối tháng 7/2017

- Bà có thể chia sẻ một vài thách thức chính mà ngành chứng khoán đang đối mặt trong việc thúc đẩy thị trường vốn xanh và các biện pháp để vượt qua những thách thức này?

Phát triển thị trường vốn xanh hiện là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành tài chính nói chung và ngành chứng khoán nói riêng. Đây là lĩnh vực mới không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới, do đó, việc thúc đẩy thị trường vốn xanh tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức là không thể tránh khỏi:

Thứ nhất, mặc dù Chính phủ đã có Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, trong đó bước đầu đã đưa ra được khái niệm về các sản phẩm tài chính trên thị trường vốn xanh, tuy nhiên hiện nay chúng ta vẫn chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Điều này dẫn đến những khó khăn cho các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước trong việc đánh giá, chứng nhận, đầu tư vào các dự án xanh.

Đồng thời, đây cũng vừa là yếu tố chủ quan, vừa là yếu tố khách quan dẫn đến việc thị trường vốn xanh tiềm ẩn nguy cơ liên quan đến thiếu minh bạch thông tin khi chưa có các tiêu chuẩn được thống nhất để các doanh nghiệp có thể thực hiện công bố thông tin minh bạch.

Thứ hai, hiện nay chi phí phát hành các sản phẩm tài chính xanh về cơ bản vẫn chưa có sự khác biệt so với các sản phẩm tài chính truyền thống, thậm chí có phần cao hơn. Điều này là do thực tế, lĩnh vực “xanh” vẫn còn tồn tại những khó khăn như cơ chế ưu đãi còn chưa rõ ràng, chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn bị kéo dài, rủi ro thị trường cao, dễ phát sinh thêm chi phí...

Thứ ba, do thị trường vốn xanh mới phát triển ở bước đầu và còn nhiều hạn chế dẫn đến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thị trường còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức để xây dựng các dự án xanh đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vốn xanh trong và ngoài nước.

Nhằm góp phần thúc đẩy thị trường vốn xanh phát triển, UBCKNN đã đề ra một số giải pháp như sau:

Trước hết, cần phải khẳng định rằng, để thị trường vốn xanh phát triển, phát huy hết tiềm năng vốn có, việc phát triển thị trường vốn xanh trong thời gian tới cần có sự nỗ lực vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp, thành viên thị trường, công chúng đầu tư, truyền thông của các cơ quan báo chí.

UBCKNN sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành sớm ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế sớm được ban hành để từ đó cơ quan quản lý có các tiêu chí được tiêu chuẩn hóa đánh giá và chứng nhận các dự án xanh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thành viên thị trường tiếp cận với thị trường vốn xanh.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo về tiềm năng, cách thức hoạt động của thị trường vốn xanh, các sản phẩm tài chính xanh cùng các tiêu chuẩn phát triển dự án xanh theo thông lệ quốc tế, giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp, thành viên thị trường nâng cao nhận thức, tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Thứ ba, doanh nghiệp có dự án xanh cần thực hiện công bố thông tin một cách minh bạch, đầy đủ, chính xác về các dự án xanh, từ đó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và nâng cao tính hấp dẫn của các sản phẩm tài chính xanh gắn liền với doanh nghiệp.

Thứ tư, nghiên cứu các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng đầu tư vào các dự án xanh để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và triển khai chính sách khuyến khích hỗ trợ cụ thể trong từng lĩnh vực.

Tôi tin tưởng rằng với sự đồng lòng của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, công chúng đầu tư và các cơ quan thông tấn báo chí, thị trường tài chính xanh nói chung và thị trường trái phiếu xanh nói riêng sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.