Tiêu hết chục triệu USD rồi phá sản: Proptech vật lộn tồn tại ở Việt Nam

Nam Phương - 23/10/2022 17:57 (GMT+7)

(VNF) - Ứng dụng công nghệ số vào thị trường bất động sản (Proptech) được kỳ vọng như cánh tay mở toang cánh cửa thị trường đang khép hờ. Tuy nhiên, đến nay, giải pháp công nghệ này đang gặp nhiều thách thức để tồn tại, trước khi nghĩ đến phát triển ở Việt Nam.

VNF
Proptech đang loay hoay cạnh tranh với môi giới truyền thống trên thị trường BĐS

Công nghệ thay đổi thói quen trên thị trường

Proptech (Property Technology) là ứng dụng công nghệ số và kinh tế nền tảng vào thị trường bất động sản, gọi tắt là công nghệ bất động sản. Giúp kết nối người mua, người bán và người có sản phẩm trên thị trường. Tác động của đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy Proptech phát triển mạnh mẽ trên thế giới và nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng đó.

Sử dụng các nền tảng công nghệ hiện đại, Proptech giúp doanh nghiệp, cá nhân có thể mua bán, quản lý vận hành bất động sản hiệu quả. Đặc biệt thành công ở những phân khúc nhà ở, căn hộ cho thuê và tòa nhà văn phòng khi ghi nhận có hơn 50% giới công nghệ bất động sản phục vụ ở phân khúc này.

Việc ứng dụng công nghệ bất động sản không chỉ phục vụ khách hàng tốt hơn mà còn nhanh chóng làm thay đổi đi phương thức, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ đó cung cấp các dịch vụ tốt hơn trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh và quản lý bất động sản.

Có thể nói, Proptech giúp hình thành nên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến được giới địa ốc ưa chuộng như sàn batdongsan.com.vn, chotot.com... Với ứng dụng, người mua và người bán nhà đất có thể dễ dàng tiếp cận nhau theo đúng nhu cầu nhờ tính năng tìm kiếm trên web.

Bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc, Trưởng khối Tư vấn Ứng dụng Khoa học Dữ liệu S22M Savills Việt Nam cho rằng, Proptech có thể ứng dụng vào để giải quyết 3 bài toán chính là tiếp cận thông tin, hỗ trợ giao dịch an toàn cho người dùng cuối, quản lý và tối ưu hóa tài sản.

Từ nguồn thu hàng trăm triệu USD phí đăng tin, bán dữ liệu hay quảng cáo được đánh giá là tiềm năng để phát triển mảnh đất màu mỡ Proptech. Có thể tin rằng, trong tương lai không xa, nhờ sự phát triển của công nghệ, các Proptech sẽ hoàn toàn thống lĩnh thị trường đăng tin, banner, từ đó cũng giúp đem lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng trong lĩnh vực bất động sản.

Bắt tay với môi giới truyền thống để tồn tại?

Bên cạnh những tiềm năng to lớn vẫn còn tồn tại vô vàn thách thức đã làm nhiều Proptech sớm dừng cuộc chơi.

Tháng 7/2022, Propzy, đã tuyên bố phá sản sau 10 năm gây dựng. Propzy cung cấp giải pháp thực hiện giao dịch nhà đất theo quy trình khép kín, giúp kết nối trực tiếp khách hàng là bên mua và bên bán với nhau. Đây là một công nghệ bất động sản "sao sáng" khi từng huy được 30 triệu USD trong 3 vòng gọi vốn, trong đó có 25 triệu USD đến từ 2 quỹ đầu tư lớn là Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia.

Trước đó, một Proptech nổi tiếng là WeFit cũng đã phải dừng hoạt động vì cạn vốn. Ra đời giữa năm 2016, WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập gym, yoga, boxing, zumba… với khách hàng nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng.

Theo bà Giang Huỳnh, mặc dù phát triển công nghệ big data tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng trong việc tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và rẻ qua các Proptech. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì khung pháp lý cho giải pháp này chưa rõ ràng, các nền tảng cung cấp thông tin còn chưa được minh bạch và thiếu độ xác thực.

Ngoài ra, ông Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ, với thương mại điện tử, mọi người có thể xem tất cả các hình ảnh của một căn nhà. Tuy nhiên, với nhiều người, việc mua nhà phải đến tận nơi xem tận mắt, để kiểm tra trực quan một tài sản có giá trị lớn. Đồng thời còn xem được vị trí, cảnh quan thực tế của căn nhà, cảm thụ tương tác với xã hội xung quanh. Trong khi đó ứng dụng công nghệ không thể đáp ứng việc này.

Nhìn vào bức tranh Proptech, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường này mới chỉ chớm phát triển, còn khá sơ khai và bài toán sau gọi vốn vẫn chưa được các công nghệ bất động sản thực hiện triệt để. Việc vận hành tốn nhiều chi phí, trong khi khả năng tạo ra lợi nhuận đường dài chưa chắc chắn. Đây là điểm yếu chung khiến nhiều Proptech đang dừng cuộc chơi. Không ít đơn vị đang còn trụ lại ở Việt Nam đang phải vật lộn để tìm ra cách thức cân bằng giữa hoạt động trực tuyến và trực tiếp.

Thị trường bất động sản thứ cấp ở Việt Nam là một thành trì và công nghệ không dễ xâm nhập trong một sớm một chiều. Với mức hoa hồng cao cho mỗi giao dịch, khoảng phí khá cao đủ sức hút nhiều nhân lực sẵn sàng thực hiện sẽ là một thách thức cho Proptech.

Hơn nữa, các Proptech không thể xen vào các mối quan hệ lâu đời giữa môi giới bất động sản hiện nay, khách hàng và nhà phát triển bất động sản, cũng như quy trình vay thế chấp, nhất là ở thị trường sơ cấp.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, hiện nay để vận hành mô hình Proptech hiệu quả, không đơn giản là một cuộc đua rót vốn và dùng tiền theo kế hoạch như các lĩnh vực khác. Mà sự cân bằng giữa trực tiếp và trực tuyến mới là chìa khóa thành công trong lĩnh vực Proptech và tạo ra dự khác biệt với đối thủ cạnh tranh.

Trước mắt, Protech có “cú” bắt tay với phương pháp truyền thống để tồn tại, trong tương lai, các quỹ đầu tư tin rằng mô hình này sẽ phát triển hơn khi có khung pháp lý cụ thể được ban hành từ cơ quan quản lý. Đồng thời có thêm nhiều công cụ được mở rộng như: kho dữ liệu, hỗ trợ tài chính, thế chấp tài sản, chứng khoán hóa…

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.