Tiêu điểm

Tìm hiểu trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

(VNF) - Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng thời gian qua liên tục có những quyết định yêu cầu kỷ luật nghiêm khắc hàng loạt 'lãnh đạo vi phạm ', nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận. Cùng VietnamFinance tìm hiểu về quyền hạn, trách nhiệm cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng của cơ quan này.

Tìm hiểu trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Một phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có trách nhiệm và quyền hạn cụ thể như sau:

1.Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định phương hướng, nhiệm vụ, chương trình công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ, hằng năm, 6 tháng; tổ chức nghiên cứu lý luận, sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

2.Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng do Điều lệ Đảng quy định:

-Kiểm tra đảng viên ở bất cứ cương vị nào khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp uỷ viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.

-Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nguyên tắc tổ chức của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

-Giám sát tổ chức đảng và đảng viên (kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư), cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và về đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

-Giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương không xem xét, giải quyết đơn, thư tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ và những tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền do Điều lệ Đảng quy định xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới.

-Giải quyết khiếu nại kỷ luật theo thẩm quyền do Điều lệ Đảng quy định.

-Kiểm tra tài chính của cấp uỷ cấp dưới và cơ quan tài chính của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Khi cần thiết thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra tài chính các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trực thuộc cơ quan tài chính đảng ở Trung ương.

Xem thêm: Cựu Bí thư Quảng Nam bổ nhiệm con trai sai quy định: Cha bị kỷ luật, con bị mất chức

-Quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên tỉnh uỷ, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc Trung ương (kể cả bí thư, phó bí thư, uỷ viên ban thường vụ), đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nhưng không phải là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Quyết định các hình thức kỷ luật đối với các trường hợp khác theo quy định của Điều lệ Đảng.

-Quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng của cấp uỷ viên cấp dưới trực tiếp và đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nhưng không phải là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khi bị tạm giam, truy tố; quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ viên cấp dưới trực tiếp khi bị khởi tố.

-Thu hồi, huỷ bỏ quyết định của cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới trái với thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

-Khi xem xét, kết luận, xử lý kỷ luật phải đảm bảo công minh, chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm đối với các kết luận, quyết định đó; bảo vệ những tổ chức và cá nhân làm đúng, đề nghị với tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm những trường hợp trù dập, trả thù người tố cáo và những trường hợp tố cáo mang tính chất bịa đặt, vu cáo, có dụng ý xấu.

Toàn văn Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm 

Một phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

3.Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

4.Khi tiến hành công tác kiểm tra, giám sát được yêu cầu tổ chức đảng và đảng viên báo cáo tình hình, cung cấp tài liệu về những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát; yêu cầu các tổ chức đảng có liên quan phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện tổ chức đảng hoặc đảng viên có những quyết định hoặc việc làm có dấu hiệu sai, trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương được quyền yêu cầu tổ chức đảng hoặc đảng viên xem xét lại quyết định hoặc việc làm đó; nếu tổ chức đảng và đảng viên không thực hiện thì báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền xem xét.

Qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc yêu cầu tổ chức và cá nhân có thẩm quyền thi hành kỷ luật, thay đổi hình thức kỷ luật về Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với đảng viên; nếu tổ chức và cá nhân có thẩm quyền không thực hiện thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư giải quyết và kiến nghị xem xét trách nhiệm của tổ chức và cá nhân đó.

5- Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với các ban của Đảng giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát, tổ chức lực lượng để tiến hành kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng (theo Điều 30 Điều lệ Đảng).

6- Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ở những công việc lĩnh vực cụ thể sau:

-Triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

-Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng và những giải pháp nhằm giữ vững nguyên tắc tố chức và sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tăng cường kỷ cương của Đảng, chủ động phòng ngừa vi phạm kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên.

-Báo cáo các vụ kỷ luật, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

-Hướng dẫn và kiểm tra các cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng

-Xây dựng nội dung, quy trình, phương thức kiểm tra, giám sát và trực tiếp tổ chức kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng và điểm 2, Điều 2 của Quy chế này.

-Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; chỉ đạo hội nghị cán bộ kiểm tra toàn quốc.

-Tổ chức triển khai các quyết định, kết luận, thông báo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thi hành kỷ luật, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên có liên quan trong việc thực hiện các quyết định, kết luận, thông báo đó.

-Tham mưu một số vấn đề liên quan đến công tác cán bộ và cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

7- Trên cơ sở quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế được duyệt của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ động bố trí, sắp xếp tổ chức, bộ máy cụ thế, quy định chế độ làm việc của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn uỷ ban kiểm tra cấp dưới về mô hình tố chức bộ máy của cơ quan uỷ ban kiểm tra; Uỷ ban Kiếm tra Trung ương có thế trưng tập một số chuyên gia khi cần thiết.

8- Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

10- Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng (là cơ quan chủ trì), Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan giúp Ban Chấp hành Trung ương giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Cơ cấu tổ chức và chức năng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Như đã nói ở trên, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tổ chức bộ máy cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương do Bộ Chính trị quy định.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương bầu, gồm một số đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương và một số đồng chí ngoài Ban Chấp hành Trung ương. Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số các thành viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương do Uỷ ban Kiểm tra Trung ương bầu trong số các thành viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và được Bộ Chính trị chuẩn y.

b) Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban là tập thể thường trực của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Uỷ ban phân công một đồng chí Phó Chủ nhiệm Thường trực.

Thành viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khi có quyết định nghỉ công tác để nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác thì thôi tham gia Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đương nhiệm và được báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương tại phiên họp gần nhất.

Danh sách 21 thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 12

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 ngày 27/1/2016 đã bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII gồm 21 đồng chí. 

Ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 12

1. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

2. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực. 

3. Đồng chí Mai Trực, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm.

4. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm.

5. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm.

6. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm.

7. Đồng chí Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm.

8. Đồng chí Sa Như Hòa, Phó Chủ nhiệm.

9. Đồng chí Nguyễn Văn Nhân, Ủy viên.

10. Đồng chí Nguyễn Công Học, Ủy viên.

11. Đồng chí Võ Minh Khương, Ủy viên.

12. Đồng chí Nguyễn Văn Doanh, Ủy viên.

13. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên.

14. Đồng chí Hà Quốc Trị, Ủy viên.

15. Đồng chí Cao Văn Thống, Ủy viên.

16. Đồng chí Vũ Khắc Hùng, Ủy viên.

17. Đồng chí Nghiêm Phú Cường, Ủy viên.

18. Đồng chí Nguyễn Thế Toàn, Ủy viên.

19. Đồng chí Nguyễn Quốc Hiệp, Ủy viên.

20. Đồng chí Huỳnh Thị Xuân Lam, Ủy viên.

21. Đồng chí Trần Tiến Hưng, Ủy viên.

Xem thêm: Bộ Chính trị phân công ông Trần Quốc Vượng tham gia Thường trực Ban Bí thư

Tin mới lên