Tín dụng tăng trưởng âm: Khách muốn vay không đủ chuẩn, ngân hàng sợ ôm thêm nợ xấu
Thu An -
14/03/2024 11:46 (GMT+7)
(VNF) - Báo cáo mới nhất của NHNN do Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin sáng 14/3 cho thấy, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (giảm 0,05%) so với tháng 1 (giảm 0,6%).
Tín dụng suy giảm, nợ xấu đi lên
Xét theo ngành kinh tế, tạm tính đến cuối tháng 1/2024, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 950,8 nghìn tỷ đồng (giảm 0,17%, chiếm 7,05%); công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,46 triệu tỷ đồng (giảm 0,13%, chiếm 25,71%); thương mại dịch vụ gần 9,06 triệu tỷ đồng (giảm 0,91%, chiếm 67,23%).
Đối với tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, giảm 0,33% so với cuối năm 2023 và chiếm 24,36% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó một số ngành hàng nông sản chủ lực lúa gạo đạt trên 210 nghìn tỷ đồng, tăng 1,08%; cà phê đạt trên 119 nghìn tỷ đồng, tăng 4,11%); doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng (giảm 1,87%, chiếm 18,31%).
Hạn mức tín dụng của hệ thống ngân hàng cấp cho 31 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối (theo danh sách từ Bộ Công thương) tạm tính là 156.173 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 63.645 tỷ đồng. 31 doanh nghiệp trên mới chỉ sử dụng 41% hạn mức tín dụng được các NHTM cấp.
Liên quan đến tín dụng lĩnh vực bất động sản (BĐS), ông Đào Minh Tú cho biết đã đạt khoảng 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,73%.
Trong đó: dư nợ kinh doanh BĐS đạt khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 1,52%, chiếm 38,37% dư nợ tín dụng BĐS; dư nợ BĐS tự sử dụng/tiêu dùng đạt khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, giảm 0,56%, chiếm 61,63% dư nợ tín dụng BĐS.
Riêng chương trình 120.000 tỷ đồng, theo Phó thống đốc NHNN, UBND 28 tỉnh, thành phố đã gửi văn bản hoặc công bố công khai trên cổng thông tin điện tử với 68 dự án thuộc danh mục vay vốn của Chương trình với tổng nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Hiện, ngoài 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã đăng ký tham gia chương trình với số tiền 5.000 tỷ đồng.
Các NHTM cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là 7.000 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 646 tỷ đồng, cụ thể: chủ đầu tư bao gồm 8 dự án với số tiền 640 tỷ đồng; người mua nhà ở 3 dự án với số tiền là 6 tỷ đồng.
Tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán đạt gần 111,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,83% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 2,56% so với cuối năm 2023. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đến cuối tháng 1/2024 đạt khoảng 2,82 triệu tỷ đồng, chiếm 20,92% dư nợ nền kinh tế, giảm 1,77% so với cuối năm 2023.
Khách muốn vay không đủ chuẩn, ngân hàng sợ tăng nợ xấu
Với việc tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm, nguyên nhân khách quan được Phó Thống đốc cho biết, đầu tiên là do yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán 1-2 tháng để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn cho sản xuất kinh doanh, phân phối hàng hóa dẫn tới 0 tháng đầu năm khó tăng trưởng quy mô tín dụng.
Báo cáo của NHNN cho biết, về phía cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, chính sách tồn kho của nhà nhập khẩu thay đổi, dẫn tới nhu cầu vay vốn thực hiện các đơn hàng xuất khẩu giảm. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm và giảm nhu cầu vay chi tiêu.
Đáng chú ý, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV do: quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi, khả năng liên kết với chuỗi sản xuất còn hạn chế; thông tin về tình hình tài chính thiếu minh bạch làm ảnh hưởng đến khả năng thẩm định của tổ chức tín dụng (TCTD); việc triển khai các giải pháp tăng tiếp cận tín dụng thông qua các cơ chế hỗ trợ của nhà nước (Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV...) chưa phát huy hiệu quả…
Bên cạnh đó, có những khó khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng; chương trình 20.000 tỷ đồng cho công nhân
Ngoài ra, không thể không kể đến một số vướng mắc qua công tác thanh tra, giám sát: khách hàng vay có tình hình tài chính kém lành mạnh hoặc kinh doanh thua lỗ, sử dụng vốn vay sai mục đích; khả năng huy động vốn trung, dài hạn của TCTD còn thấp so với nhu cầu vốn dài hạn của nền kinh tế (nguồn vốn huy động ngắn hạn chiếm đến 80% tổng nguồn vốn trong khi dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm đến 50% tổng dư nợ cho vay); nợ xấu có xu hướng tăng, công tác xử lý nợ xấu còn khó khăn.
Đối với nguyên nhân chủ quan, ông Đào Minh Tú nhận định, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Mặc dù nợ xấu đã được TCTD xử lý một bước quan trọng nhưng có xu hướng tăng do biến động tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới cùng những khó khăn của nền kinh tế trong nước đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khả năng trả nợ gốc/lãi ngân hàng suy giảm (nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD đến cuối năm 2023 là 4,55%, tăng so với mức 2,03% vào cuối năm 2022).
Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm (TSBĐ) còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường BĐS đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.
Ngoài ra, huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, BĐS chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... nên khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.