Tính chuyện xây dựng thị trường chứng khoán bằng công nghệ blockchain

Huyền Trang - 16/06/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Để có thể xây dựng TTCK dựa trên công nghệ blockchain, Chính phủ và các nhà làm luật cần nghiên cứu và thông qua các quy định cho phép việc thành lập một sàn giao dịch chứng khoán dựa trên cơ chế phi tập trung. Trong đó, việc quan trọng nhất là công nhận hợp pháp hợp đồng thông minh (Smart contract) trong các giao dịch chứng khoán.

Công nghệ Blockchain hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực như tiền tệ, nông nghiệp, y tế, giáo dục, lưu trữ…Với các ưu điểm về tính bảo mật cao, khó bị tấn công bởi hacker, công nghệ Blockchain tỏ ra rất phù hợp để xây dựng một sàn giao dịch chứng khoán theo cơ chế phi tập trung trong tương lai để thay thế các sàn giao dịch chứng khoán theo cơ chế tập trung hiện tại.

Tuy nhiên, việc xây dựng sàn chứng khoán dựa trên công nghệ Blockchain vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ trên thế giới và hiện nay chưa có quốc gia nào phát triển thị trường theo mô hình như trên, trong đó có Việt Nam. Xung quanh câu chuyện này, Đầu tư Tài chính đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM.

- Đâu là những hạn chế của mô hình thị trường chứng khoán hiện tại, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: Thị trường chứng khoán truyền thống với hệ thống tập trung có thể là mục tiêu tấn công của các hacker, do đó tính an toàn của mô hình thị trường chứng khoán hiện nay chưa cao. Bên cạnh đó, mô hình thị trường truyền thống này cũng là nơi tập trung quyền lực trong việc kiểm soát, đặt giá và áp đặt các phí liên quan. Hơn nữa, hệ thống vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào các bên trung gian gọi là các nhà môi giới, hưởng lợi từ phí giao dịch, đây là một loại phí không cần thiết và nên được loại bỏ trong mô hình mới.

Một hạn chế nữa của mô hình thị trường chứng khoán hiện tại là thời gian xử lý giao dịch quá lâu, quá trình giải quyết mất nhiều thời gian vô hình trung đã phá hủy bản chất năng động của thị trường chứng khoán. Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự ra đời của Blockchain cho phép chúng ta nghĩ đến việc xây dựng một mô hình thị trường chứng khoán hoàn toàn mới với cơ chế hoàn toàn phi tập trung, sẽ là một giải pháp sáng tạo sẽ khắc phục được những tồn tại cố hữu trong mô hình thị trường chứng khoán truyền thống.

Với mục tiêu giải quyết những nhược điểm của hệ thống trao đổi chứng khoán tập trung truyền thống, chẳng hạn như phí giao dịch cao, quản trị tập trung dễ bị tấn công và thiếu độ mở đối với các hành động và thuật toán thị trường, các nghiên cứu trên thế giới đã đề xuất một mô hình sáng tạo sử dụng Blockchain để phát triển một sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung và một thị trường hoạt động liên tục 24/7.

Mô hình này khắc phục được những hạn chế của sàn giao dịch chứng khoán tập trung bằng cách đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật của tài sản và đơn đặt hàng của chủ sở hữu, việc thực hiện hợp đồng thông minh một cách tự động giữa các bên, thực hiện và giải quyết các lệnh thông qua các thuật toán đồng thuận để đạt được các quyết định dân chủ và đáng tin cậy. Mô hình dựa trên Blockchain này sẽ sử dụng các hợp đồng thông minh để xác nhận quyền của chủ sở hữu cũng như thực hiện và giải quyết chính xác các lệnh, do đó sự tồn tại của chủ thể trung gian là không còn cần thiết nữa.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM

- Nếu chúng ta xây dựng thị trường chứng khoán bằng công nghệ phi tập trung thành công, thị trường chứng khoán sẽ nhận được những lợi ích như thế nào?

Đầu tiên, sẽ khó bị tấn công. Do mỗi chủ thể tham gia đều sẽ được sao lưu một sổ cái giao dịch theo nguyên tắc phi tập trung và phân tán, nên việc mất mát dữ liệu là điều khó có thể xảy ra, trừ khi hacker có thể tấn công vào máy tính của tất cả những người tham gia vào thị trường chứng khoán này cùng 1 lúc.

Tiếp đó là do các giao dịch khó bị sửa lỗi. Khả năng tấn công quá bán 51% theo lý thuyết lẫn thực tế là điều không khả thi vì hacker phải chiếm quyền kiểm soát 51% các nút mạng trên hệ thống để có thể sửa bất cứ giao dịch nào, bên cạnh đó, việc sửa giao dịch chỉ có thể thực hiện ở các block mới được sinh ra chứ không thể sửa các block trong quá khứ khi nó đã được gắn vào Blockchain.

Thứ ba là giảm thiểu chi phí giao dịch. Việc loại bỏ các trung gian như sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, môi giới chứng khoán sẽ làm giảm thiểu tối đa chi phí giao dịch cho các nhà đầu tư. Các giao dịch đều được xác nhận tự động thông qua hệ thống máy tính của những người tham gia.

Thứ tư, giảm thiểu thời gian thanh toán bù trừ. Sau khi hợp đồng thông minh được thực hiện thì việc thanh toán bù trừ giữa người mua và người bán sẽ được tự động thực hiện ngay lập tức mà không cần phải chờ đến T+3 như giao dịch theo phương thức truyền thống hiện nay, giúp tăng tính thanh khoản và giảm thiểu thời gian thanh toán bù trừ cho nhà đầu tư.

Thứ năm, tránh hiện tượng làm giá, đưa lệnh ảo trên sàn. Việc giao dịch công khai, và chỉ có thể giao dịch nếu như có cổ phiếu thực sẽ tránh được các hiện tượng làm giá, đẩy lệnh ảo trên sàn gây méo mó thị trường như các thị trường giao dịch chứng khoán truyền thống.

Thứ sáu, tránh được việc nghẽn lệnh, quá tải của hệ thống tập trung. Do cơ chế giao dịch là cơ chế mạng ngang hàng (Peer to Peer), nên việc dồn lệnh vào một hệ thống máy chủ để xử lý dẫn đến quá tải sẽ ít xảy ra với mô hình giao dịch phi tập trung khi các lệnh được thực hiện ngang hàng và đồng thời với nhau thông qua các nút mạng phân tán, chính vì thế hạn chế được hiện tượng quả tải của cơ chế giao dịch tập trung cũ.

Tuy nhiên, mô hình này cũng có nhược điểm là… không thể bị sửa lỗi, đây vừa là ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm của mô hình. Một khi giao dịch đã được thực hiện và được xác nhận đưa vào Blockchain thì không thể sửa hoặc xóa giao dịch đó trên hệ thống Blockchain được nữa, nên khi đặt lệnh sai và lệnh đã được khớp thì không thể sửa lệnh lại được.

Trong quá trình xây dựng thị trường chứng khoán phi tập trung bằng công nghệ blockchain, chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn như thế nào?

Khó khăn lớn nhất sẽ là phần công nghệ. Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ Blockchain trên toàn cầu, nhưng việc lựa chọn đối tác phù hợp, đủ tin cậy và có khả năng đi lâu dài vẫn sẽ là một thách thức. Bởi công nghệ này còn mới và chưa thực sự được chuẩn hóa trên toàn thế giới.

Khó khăn thứ hai chính là vấn đề về pháp lý, bởi chúng ta chưa có luật liên quan đến blockchain và các hợp đồng thông minh được tạo ra bởi blockchain. Nên khoảng trống pháp lý sẽ lớn và khó để đưa thị trường chứng khoán theo cơ chế này vận hành nếu không có các khuôn khổ pháp lý hỗ trợ.

Khó khăn tiếp theo là con người phát triển và vận hành, nhân sự ngành blockchain khá khan hiếm, nên cần phải có lộ trình để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này để phục vụ cho thị trường trong tương lai.

- Vậy đâu sẽ là những thuận lợi trong quá trình xây dựng thị trường này, thưa ông?

Thuận lợi lớn nhất là Việt Nam đứng top 2 trong các quốc gia có người dân chấp nhận tiền kỹ thuật số và công nghệ blockchain trên toàn cầu. Thậm chí, số lượng tài khoản mở ở thị trường tiền kỹ thuật số hiện nay còn lớn hơn cả thị trường chứng khoán. Chính vì thế, việc tiếp cận với thị trường mới này sẽ không quá khó khăn đối với người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Thuận lợi thứ hai là Chính phủ rất khuyến khích và tôi cho rằng sẽ có cơ chế sandbox để chúng ta có thể thử nghiệm thị trường này nếu như xây dựng khả thi. Ngoài việc giao dịch chứng khoán, thị trường này có thể đóng vai trò giao dịch các tài sản số mà chúng ta có thể sẽ cho phép thử nghiệm các tài sản này trong thời gian tới.

Các nước trên thế giới xử lý vấn đề này như thế nào và Việt Nam có thể học hỏi gì từ họ, thưa ông?

Theo hiểu biết của tôi thì hiện nay khái niệm này vẫn còn sơ khai và các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới chỉ mới trong giai đoạn thử nghiệm công nghệ này trong giao dịch chứng khoán. Do đó, chúng ta cũng sẽ là một trong những nước đi đầu nếu đầu tư và nghiên cứu kỹ các mô hình lý thuyết và ứng dụng nó vào thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam.

- Ông có khuyến nghị như thế nào để Việt Nam có thể xây dựng thành công thị trường chứng khoán phi tập trung bằng công nghệ blockchain?

Để có thể xây dựng thành công thị trường chứng khoán theo cơ chế phi tập trung, Chính phủ và các nhà làm luật cần nghiên cứu và thông qua các quy định cho phép việc thành lập một sàn giao dịch chứng khoán dựa trên cơ chế phi tập trung. Trong đó, việc quan trọng nhất là công nhận hợp pháp hợp đồng thông minh (Smart contract) trong việc giao dịch chứng khoán một cách tự động và không thông qua các trung gian như sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán như hiện tại.

Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước có thể phát hành đồng tiền kỹ thuật số ổn định (stable coins) hoặc đồng tiền kỹ thuật số Chính phủ (govcoins) để trở thành đơn vị tiền tệ chính thức thực hiện các giao dịch của hợp đồng thông minh. Các đồng tiền này sẽ vận hành theo cơ chế 1 đồng tiền kỹ thuật số được đảm bảo bởi 1 Việt Nam đồng, tức thực tế là chúng ta thực hiện việc mã hóa tiền Việt Nam đồng trong giao dịch trên công nghệ Blockchain.

Ngoài ra, Chính phủ nên chọn một giải pháp công nghệ Blockchain ít tốn thời gian để xác minh và với chi phí thấp nhất.

Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cơ quan này tiếp tục đưa ra các quy định tương tự như với thị trường chứng khoán tập trung để đảm bảo thị trường chứng khoán phi tập trung hoạt động một cách công khai, minh bạch như: Quy định về công bố thông tin của tổ chức niêm yết, các quy định chống làm giá chứng khoán trên thị trường, quy định về xử phạt các vi phạm trong giao dịch chứng khoán…

Bên cạnh đó, UBCKNN vẫn đóng vai trò là đơn vị kiểm định, cấp phép cho các công ty đủ điều kiện để có thể niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung tương tự với sàn giao dịch chứng khoán tập trung hiện tại như HoSE và HNX. Tuy nhiên với mô hình này, các sở giao dịch chứng khoán sẽ không còn tồn tại với vai trò là cơ quan tổ chức thị trường nữa, giảm bớt một khâu trung gian và từ đó làm giảm thiểu chi phí giao dịch.

Khác với các mô hình phi tập trung trên thế giới, sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung này được xây dựng trên cơ chế ghi danh chứ không ẩn danh, nhằm đảm bảo tạo điều kiện để các cơ quan như UBCKNN có thể theo dõi, giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán của các cá nhân, tổ chức, nhằm đảm bảo thị trường được vận hành một cách công khai, minh bạch, chống các hiện tượng tiêu cực như rửa tiền, làm giá chứng khoán…

Cùng với đó, UBCKNN cần có một bộ phận lập trình viên để xây dựng các ứng dụng quản lý dựa trên công nghệ học máy (Machine learning) và học sâu (Deep learning) để tự động theo dõi các giao dịch chứng khoán trên thị trường thông qua các thuật toán, từ đó phát hiện được các hành vi gian lận, làm giá chứng khoán, hay các hành vi vi phạm khác của các bên tham gia, đảm bảo và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường.

Thông qua các công nghệ blockchain, vai trò của trung tâm lưu ký và thanh toán bù trừ cũng như ngân hàng thanh toán cũng sẽ không còn nữa vì tất cả các giao dịch là hoàn toàn tự động từ việc thanh toán bù trừ về chứng khoán và tiền vốn trong các giao dịch đều thông qua hợp đồng thông minh hoàn toàn tự động.

Đối với các công ty chứng khoán, với mô hình sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung, công ty chứng khoán sẽ không còn đóng vai trò là nhà môi giới chứng khoán, trung gian giữa người mua và người bán chứng khoán nữa, mà chỉ đơn thuần là đơn vị cung cấp các thông tin về thị trường, về các doanh nghiệp niêm yết và thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán cho nhà đầu tư có nhu cầu.

Để tối đa hóa hiệu quả hoạt động, công ty chứng khoán cũng cần chuyển đổi số mô hình kinh doanh. Trong đó, tập trung vào ứng dụng các công nghệ như học máy, học sâu để có thể xây dựng việc tư vấn chứng khoán tự động cho nhà đầu tư (Robo advisors) dựa trên các đặc tính của nhà đầu tư, đưa ra các danh mục đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư khác nhau, từ đó có thể chăm sóc được nhiều nhà đầu tư hơn một cách tự động hóa hoàn toàn.

Trên đây chỉ là một số các đề xuất dựa trên tham khảo và phát triển ý tưởng từ các nghiên cứu trên thế giới để đề xuất một mô hình giao dịch chứng khoán mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, không đồng nghĩa với việc mô hình này sẽ hoàn toàn hiệu quả hơn so với phương thức giao dịch truyền thống hiện tại và cần có các nghiên cứu đánh giá chuyên sâu hơn nữa.

Theo tôi, nên thử nghiệm cơ chế này bằng cách xây dựng một thị trường hoàn toàn mới song song với thị trường truyền thống hiện tại, nhằm đánh giá mức độ thu hút, và các ưu điểm của thị trường này so với thị trường truyền thống ở thực tế trước khi có lộ trình xa hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Cùng chuyên mục
Tin khác