Tình hình phát triển 'kinh tế ban đêm' tại châu Âu và cơ hội cho Việt Nam

Đức Hùng - 11/09/2019 08:53 (GMT+7)

"Kinh tế ban đêm" được chia thành hai mảng, kinh tế buổi tối từ 6h tối đến 12h đêm và kinh tế sau nửa đêm từ 12h đêm đến 6h sáng hôm sau, bao gồm các hoạt động phổ biến liên quan đến dịch vụ giải trí.

VNF
Tình hình phát triển 'kinh tế ban đêm' tại châu Âu và cơ hội cho Việt Nam. (Ảnh minh họa)

"Kinh tế ban đêm" có nhiều cách hiểu khác nhau trên thế giới, nhưng có thể thống nhất một khái niệm chung là các hoạt động kinh tế diễn ra trong khoảng thời gian từ 6h tối đến 6h sáng giữa lúc kinh tế ngày ngưng nghỉ tại các thành phố, thị xã và thị trấn.

Có thể nói "kinh tế ban đêm" vừa là động lực kinh tế vừa là động lực văn hóa tại các thành phố. Nhiều ngành công nghiệp sáng tạo như làm phim, âm nhạc, xuất bản và các nhà thiết kế hoạt động thâu đêm suốt sáng.

Phát triển "kinh tế ban đêm" tại các nước châu Âu

Tại Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các thành phố lớn đều có nền "kinh tế ban đêm" phát triển, đặc biệt là những thành phố được du khách tìm tới nhiều nhất như Paris, Lyon, London, Manchester, Belfort, Amsterdam, Berlin, Madrid, Barcelona, Roma, Vénice, Geneva, Zurich.

Tại Anh, "kinh tế ban đêm" tạo ra khoảng 66 tỷ bảng thu nhập bình quân mỗi năm, hỗ trợ khoảng 1,3 triệu việc làm. Các du khách đến Anh dành khoảng 20% thời gian cho các hoạt động ban đêm như ăn tối hay đi chơi đêm.

Riêng tại Manchester, khoảng 150.000 lượt khách đến thăm thành phố này vào mỗi cuối tuần để tham gia các hoạt động về đêm.

EU không có chính sách chung về phát triển "kinh tế ban đêm". Chính phủ các nước thành viên cũng phân quyền lĩnh vực này cho chính quyền các thành phố.

Tùy theo tiềm năng và chiến lược phát triển, mỗi thành phố có thể thực hiện các chương trình, dự án thúc đẩy nhằm khuyến khích kinh tế đêm gắn với đặc trưng và thế mạnh văn hóa, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực của riêng mình.

Ví dụ, London có Dự án “Sa hoàng đêm – London’s night Czar”; Amsterdam có Dự án "Thị trưởng đêm – The Night Mayor’’. Mục đích của các chương trình hoặc dự án kinh tế đêm chủ yếu là thu hút khách du lịch để tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, cũng như quảng bá và bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc, trong khi vẫn đảm bảo trật tự trị an và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Cùng với đó, ngân sách nhà nước cũng có thêm nguồn thu khi "kinh tế ban đêm" được quản lý tốt.

Các thành phố muốn phát triển nền "kinh tế ban đêm" phải hội tụ được các điều kiện cơ bản sau. Về phía thị trường, thành phố đó phải là điểm đến du lịch hấp dẫn, với dân số trẻ, dịch vụ tốt và an ninh đảm bảo.

Cùng với đó, việc thiết lập và thực thi chính sách, các thiết chế hài hòa nhằm đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp dân cư khác nhau cũng như quá trình quy hoạch kiến trúc, xây dựng hạ tầng, tổ chức giao thông, đảm bảo an ninh, an toàn đô thị, đảm bảo nguồn điện cũng là rất quan trọng.

Tiềm năng phát triển của Việt Nam

Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm thành công trong quá trình phát triển kinh tế đêm của nước nước châu Âu, song trước hết cần xem xét những thuận lợi và khó khăn của việc phát triển "kinh tế ban đêm".

Đánh giá về những thuận lợi và khó khăn trong phát triển kinh tế đêm tại Việt Nam, Tham tán Công sứ Nguyễn Cảnh Cường, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, cho biết Việt Nam có những thuận lợi để phát triển "kinh tế ban đêm" nhờ vào các yếu tố tự nhiên như có nhiều tài nguyên du lịch và đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách quốc tế.

Việt Nam có nhiều lợi thế như có lượng dân số trẻ thích sinh sống tập trung tại các thành phố, bên cạnh những yếu tố như văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao và thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số thách thức để phát triển "kinh tế ban đêm" như hạ tầng còn thiếu và chưa đạt trình độ tiên tiến, vệ sinh đô thị có nơi còn chưa đạt chuẩn, an toàn thực phẩm chưa đảm bảo và dịch vụ nhìn chung chưa chuyên nghiệp.

Do đó, việc phát huy những thuận lợi và tiềm năng nhằm hạn chế những khó khăn và thách thức nêu trên sẽ giúp phát triển hiệu quả "kinh tế ban đêm" tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, phát triển "kinh tế ban đêm" sẽ có những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đối với Việt Nam.

Dự báo về những tác động của phát triển "kinh tế ban đêm", ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng phát triển "kinh tế ban đêm" tại Việt Nam dự kiến sẽ giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng công suất hữu dụng cho các cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, giao thông vận tải.

Tuy nhiên, hoạt động "kinh tế ban đêm" cũng rút ngắn thời gian xuống cấp của hạ tầng; làm tăng nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, trong khi lượng tiêu thụ bia rượu, đồ uống cao cấp, thuốc lá, lại nhiều hơn.

Bên cạnh đó là những yêu cầu cấp bách về quản lý thị trường chống hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế cũng như đảm bảo an ninh, an toàn đô thị.

Theo chuyên gia, để phát triển "kinh tế ban đêm" một cách hiệu quả, Việt Nam cần phát triển "kinh tế ban đêm" theo trọng điểm (lựa chọn các vùng có điểm du lịch hấp dẫn, dịch vụ tốt, an ninh đảm bảo…), không nên phát triển "kinh tế ban đêm" một cách đại trà.

Ngoài ra, phát triển "kinh tế ban đêm" sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ nguồn điện lớn và Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho việc phát triển nguồn điện bổ sung cho vấn đề này.

Phát triển "kinh tế ban đêm" cũng sẽ đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, trong khi Việt Nam đang có nguồn nhân công trẻ khá dồi dào. Vì vậy, các chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp cho các hoạt động "kinh tế ban đêm" cũng rất quan trọng.

Theo Bnews
Cùng chuyên mục
Tin khác