Thị trường

TKV quản lý nợ chưa chặt chẽ, số tiền phải thu, khó đòi lên đến 279 tỷ đồng

(VNF) - Kiểm toán Nhà nước cho biết Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ để phát sinh nợ đọng, nợ phải thu khó đòi số tiền hơn 279 tỷ đồng.

TKV quản lý nợ chưa chặt chẽ, số tiền phải thu, khó đòi lên đến 279 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước: TKV có nợ phải thu khó đòi hơn 279 tỷ đồng

TKV có tổng nợ phải thu khó đòi hơn 279 tỷ  đồng

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên ngành VI đã kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 của TKV.

Kết quả cho thấy, năm 2021, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính - kế toán, đầu tư, mua sắm và quản lý, sử dụng vốn, tiền, tài sản Nhà nước của công ty mẹ TKV và các đơn vị được kiểm toán còn có nhiều vấn đề.

Đối với quản lý nợ phải thu, phải trả, kết quả kiểm toán cho thấy còn tình trạng quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ để phát sinh nợ đọng, nợ phải thu khó đòi. Cụ thể, theo báo cáo của TKV, tổng giá trị nợ phải thu khó đòi tại ngày 31/12/2021 của TKV là hơn 279 tỷ đồng, trích dự phòng nợ phải thu 238 tỷ đồng; đối chiếu nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp cho khách hàng nợ tiền hàng không đúng quy định theo hợp đồng, dư nợ vượt bảo lãnh thanh toán; chậm hoàn ứng theo quy định của đơn vị. Một số hợp đồng bán than tại Chi nhánh Công ty Kinh doanh than Hải Phòng của Công ty Cổ phần Kinh doanh than miền Bắc - Vinacomin chưa quy định hình thức bảo đảm thực hiện hợp đồng, chưa quy định điều khoản thưởng phạt. Ngoài ra, còn trường hợp có hệ số thanh toán nợ ngắn hạn chưa đảm bảo...

Đối với việc quản lý các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước, có đơn vị chưa kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng biếu tặng; tính thiếu thuế thu nhập cá nhân (TNCN); chưa loại trừ một số khoản chi phí khi tính thuế TNDN; chưa giảm thu nhập tính thuế TNDN đối với khoản thu nhập từ cổ tức; trích Quỹ khoa học và công nghệ vượt quy định.

Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, công ty mẹ TKV còn một số khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả như: đầu tư vào Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam, Công ty TNHH Vinacomin Lào, Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê,...

Duyệt dự án khi chưa có quy hoạch 1/500

Đánh giá về việc tuân thủ pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý đầu tư xây dựng đối với 6 dự án được kiểm toán, kết quả kiểm toán chỉ ra còn trường hợp phê duyệt dự án khi chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Đối với dự án khai thác mỏ đồng Vi kẽm, Bát Xát, Lào Cai (dự án Vi Kẽm) việc xác định quy mô, giải pháp thiết kế và công nghệ khai thác chưa phù hợp, dẫn đến sau 3 năm từ ngày phê duyệt đã xác định điều chỉnh quy mô và giảm không đầu tư một số hạng mục công trình; việc tính toán hiệu quả đầu tư chưa phù hợp, dẫn đến việc xác định hiệu quả đầu tư dự án chưa đảm bảo, phê duyệt dự án khi chưa được cơ quan chuyên môn tham gia ý kiến đối với thiết kế cơ sở và chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, có một số dự án lập tổng mức đầu tư chưa chính xác hoặc thiếu cơ sở.

Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán, công tác thỉết kế Dự án khai thác hầm lò phần mở rộng Suối Lại (giai đoạn 1), Công ty Than Hòn Gai-TKV (dự án Suối Lại) thực hiện phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công 11 hạng mục đường lò để thực hiện thi công trước khi thiết kế kỹ thuật chưa đúng quy định.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra một số gói thầu tính sai dự toán (nhưng gói thầu tự thực hiện theo đơn giá điều chỉnh hoặc do giá dự toán tính lại vẫn cao hơn giá trúng thầu và ký hợp đồng); hướng dẫn của TKV về điều chỉnh dự toán và thanh quyết toán chi phí ăn định lượng đối với nhân công xây dựng mỏ hầm lò còn chưa chi tiết, cụ thể…

Về công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết thực hiện hợp đồng của kế hoạch đấu thầu tại Dự án Vận chuyển xít ngược, Đoàn kiểm toán cho biết, nội dung thời gian lựa chọn nhà thầu một số gói thầu ghi trong kế hoạch đấu thầu chưa phù hợp quy định.

Cùng với đó, công tác chấm xét thầu còn chưa làm rõ một số hạn chế, tồn tại của hồ sơ dự thầu tại Gói thầu số 14, Gói thầu 16 Dự án hệ thống băng tải cấp than cho nhà máy tuyển Khe Chàm-công suất 4,5 triệu tấn/năm (dự án Băng tải than Khe Chàm).

Về công tác quản lý tiến độ, kết quả kiểm toán cho thấy hầu hết các dự án được kiểm toán đều thực hiện chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu dẫn đến phải điều chỉnh tiến độ thực hiện... 

Tại Dự án Suối Lại, hạng mục cuối cùng của dự án hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 2/2021 nhưng chủ đầu tư chưa báo cáo cơ quan chuyên môn về xây dựng để tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu công trình và không mua bảo hiểm công trình xây dựng cho các hạng mục công trình.

Đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đối với 6 dự án được kiểm toán: Dự án Suối Lại - Công ty Than Hòn Gai - TKV; Dự án Vi kẽm, Bát Xát, Lào Cai - Tổng công ty Khoáng sản TKV; Dự án đầu tư thiết bị phục vụ sản xuất năm 2020 - Công ty cổ phần Than Đèo Nai - Vinacomin; Dự án Trung tâm chế biến và Kho than tập trung vùng Hòn Gai - Công ty Tuyển than Hòn Gai - Vinacomin; Dự án Vận chuyển xít ngược - Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV và dự án Băng tải than Khe Chàm - Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV; qua kiểm toán cho thấy, quá trình thực hiện đầu tư, tiến độ còn một số hạng mục, công trình thực hiện chậm so với yêu cầu của hợp đồng, dự án thực hiện chậm so với dự án đầu tư được phê duyệt và một số hạn chế tồn tại trong chấp hành chính sách, chế độ dẫn đến phải giảm thanh, quyết toán chi phí đầu tư.

Xem thêm: TKV: Doanh thu 10 tháng đạt hơn 133 nghìn tỷ, tăng 20%, vượt kế hoạch năm

Tin mới lên