Tội cưỡng đoạt tài sản mà ông Lưu Bình Nhưỡng đang bị điều tra xử lý thế nào?

Tuệ Lâm - 15/11/2023 12:16 (GMT+7)

(VNF) - Khung hình phạt cao nhất đối với tội danh cưỡng đoạt tài sản là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Người bị phạt ở mức án cao nhất là trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

VNF
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt tạm giam để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963) trú tại quận Tây Hồ, TP. Hà Nội để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản.

Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường, sinh năm 1986 (thường gọi là Cường “quắt”, là đối tượng hình sự, có 3 tiền án), trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình về tội cưỡng đoạt tài sản.

Theo Điều 170 Bộ luật Hình sự, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Phạm tội trong trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Với trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh thì sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Mức án cao nhất với với tội danh cưỡng đoạt tài sản là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cùng chuyên mục
Tin khác