Tiêu điểm

Tội danh ông Trịnh Xuân Thanh đối diện với mức án nào?

(VNF) – Tội danh tham ô mà ông Trịnh Xuân Thanh vừa bị đề nghị truy tố, theo Bộ Luật hình sự, mức án cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Tội danh ông Trịnh Xuân Thanh đối diện với mức án nào?

Tội danh ông Trịnh Xuân Thanh đối mặt với mức án nào?

Như VietnamFinance đã đưa tin, ngày 21/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố Trịnh Xuân Thanh và 7 bị can khác về tội Tham ô tài sản xảy ra tại PVP Land và Công ty Cổ phần Minh Ngân.

Theo kết luận điều tra, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Đào Duy Phong là những người có quyền quyết định, có trách nhiệm quản lý tài sản là cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Ông Trịnh Xuân Thanh đã thông đồng với các đối tượng liên quan, cùng đối tượng môi giới là Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, có sự giúp sức của Thái Kiều Hương, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa, đại diện bên mua là Công ty Minh Ngân và Đinh Mạnh Thắng để ký và thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương 34 triệu đồng/m2 đất.

Việc thanh toán hợp đồng này đã tạo ra chênh lệch giá để các bị can chiếm đoạt cổ phần trị giá hơn 87 tỷ đồng của PVP Land (trong đó có tài sản nhà nước). Giá trị tài sản đã bị các đối tượng chiếm đoạt được là 49 tỷ đồng.

Động cơ phạm tội của Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Đào Duy Phong là chiếm đoạt khoản tiền chênh lệch giá. Đối với Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy là để được hưởng tiền môi giới. Còn động cơ phạm tội nhóm ông Lê Hòa Bình, Huỳnh Thị Kim Thoa và Thái Kiều Hương là muốn mua và bán được cổ phần.

Theo kết luận điều tra, bị can Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Đinh La Thăng, khai nhận sau khi thương vụ mua bán thành công, vào ngày 6/4/2010 đã nhận 19 tỷ đồng từ bà Hương, sau đó giữ lại 5 tỷ đồng, còn 14 tỷ đồng để trong một chiếc vali chuyển cho ông Thanh.

Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Minh Ngân, ông Thanh đã trả lại tiền cho ông Thắng và cả hai hoàn trả khoản tiền 19 tỷ đồng cho bà Hương.

Kết luận điều tra khẳng định Trịnh Xuân Thanh đã phạm tội Tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật hình sự với vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) tội "Tham ô tài sản" quy định như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tin mới lên