Tổng Thanh tra Chính phủ: Phát hiện vi phạm kinh tế hơn 230.000 tỷ đồng, chuyển công an 404 vụ
Anh Hùng -
21/11/2023 11:27 (GMT+7)
(VNF) - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, qua thanh tra chấn chỉnh quảng lý đã phát hiện vi phạm về kinh tế 232.197 tỷ đồng, 1.031ha đất và kiến nghị thu hồi 166.239 tỷ đồng, 483ha đất.
Trình bày công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết toàn ngành Thanh tra đã triển khai 9.382 cuộc thanh tra hành chính và 211.545 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 232.197 tỷ đồng, 1.031ha đất; kiến nghị thu hồi 166.239 tỷ đồng, 483ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 65.959 tỷ đồng, 548 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.269 tập thể và 8.242 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 404 vụ, 459 đối tượng.
Bên cạnh đó, toàn ngành tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 10.860 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã xử lý, thu hồi 6.769 tỷ đồng, 30ha đất; xử lý hành chính 3.867 tổ chức, 9.638 cá nhân; khởi tố 16 vụ, 34 đối tượng.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 23.023/29.277 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 78,6%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 11,8 tỷ đồng, 16,4ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 463,8 tỷ đồng, 20,1ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 516 cá nhân; kiến nghị xử lý 532 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 42 vụ, 34 đối tượng.
Về kiểm toán, theo ông Đoàn Hồng Phong, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 65.259,9 tỷ đồng, (trong đó: các khoản tăng thu: 4.515,3 tỷ đồng; các giảm chi NSNN: 25.185,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác: 35.559,1 tỷ đồng). Đã kiến nghị huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 252 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 373 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Cơ quan Điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, ông Đoàn Hồng Phong cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Bên cạnh đó, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận không tốt.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp tục rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý đất đai, tài nguyên, quy hoạch xây dựng, đấu thầu, đấu giá, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…; tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.