TP. HCM: Chọn quận 7, huyện Củ Chi để thí điểm mở cửa dần

Trần Lê - 05/09/2021 18:45 (GMT+7)

(VNF) - Tại buổi họp báo chiều 5/9, chính quyền đã công bố tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. HCM và chuẩn bị cho các hoạt động kinh tế sau ngày 6/9, TP. HCM kết thúc hai tuần giãn cách xã hội ở mức cao nhất.

VNF
TP. HCM sẽ từng bước mở cửa lại các hoạt động (ảnh minh họa).

Theo đó, TP. HCM sẽ từng bước mở cửa lại các hoạt động.

Theo Sở Công thương, về thực phẩm tươi sống, chế biến… nhu cầu đang tăng lên trong nhân dân. Sở Công thương đã rà soát, làm việc với các hệ thống phân phối, cho thấy họ đang gặp khó khăn.

Vì các đơn vị này chưa thuộc đối tượng đi đường, Sở đã rà soát để tính toán trước mắt ưu tiên cho các nhà cung cấp lớn, xe chuyên chở nhiều được ưu tiên cấp giấy đi đường. Khi nhu cầu tăng lên sẽ tiếp tục mở thêm diện ưu tiên cho hệ thống thực phẩm tươi sống và chế biến.

Sở cũng làm việc với các cơ quan liên quan, tính toán mở lại chợ truyền thống, đảm bảo cung ứng hàng hóa nhưng trên hết là đảm bảo các tiêu chí an toàn. Trước mắt, có thể mở các điểm trung chuyển hàng hóa, giúp các tiểu thương tập kết, lưu thông hàng hóa.

Trước đó, khi làm việc tại UBND quận 7 vào sáng 5/9, theo bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, TP. HCM đang thí điểm mở cửa dần, tiến tới trạng thái bình thường mới trong tình trạng có dịch tại quận 7 (là một trong hai địa phương công bố kiểm soát được dịch). Ngoài quận 7, huyện Củ Chi cũng được TP. HCM chọn làm thí điểm mở cửa.

UBND quận 7 cũng có trình phương án dự kiến là thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo Chủ tịch UBND quận 7, quận dự định cho phép các mặt hàng kinh doanh thiết yếu và kinh doanh đường phố hoạt động trở lại từ ngày 20/9 đến 20/10 với các điều kiện như tiêm vắc xin mũi 2, hoạt động theo bộ tiêu chí do quận thẩm định và cho phép hoạt động. Trước mắt sẽ cho các loại hình kinh doanh trên hoạt động từ 6-18 giờ.

Quận 7 cũng đề xuất xem xét miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong năm 2021 và giảm trong quý I/2022 để giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất. Các loại hình chợ kinh doanh cũng áp dụng điều kiện tương tự. Quận sẽ có mô hình chợ kiểu mẫu trong giai đoạn bình thường mới, không mở lại như trước đây.

Ngoài ra, quận 7 cũng đề xuất thống nhất chủ trương cho các doanh nghiệp tạm sử dụng (từ 1 đến 2 năm kể từ thời điểm bàn giao đất) các khu đất công do Nhà nước quản lý để đầu tư xây dựng các khu lưu trú tạm (quy mô 1 tầng, với kết cấu tạm, mật độ xây dựng 60%) cho công nhân đối với các doanh nghiệp sản xuất có đông công nhân.

Vào ngày 1/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP. HCM. Theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP. HCM theo hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 15/9 đến 31/12/2021; giai đoạn 2 là năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thành viên Ban chỉ đạo gồm Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm trưởng ban. Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình làm phó trưởng ban thường trực. Các phó trưởng ban khác là 4 phó chủ tịch UBND là bà Phan Thị Thắng, ông Võ Văn Hoan, ông Dương Anh Đức, ông Ngô Minh Châu.

Các thành viên gồm: giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà, giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh, giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân, chánh Văn phòng UBND Hà Phước Thắng, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Trần Hoàng Ngân, Gíao sư- Tiến sĩ y khoa Nguyễn Tấn Bỉnh và Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Trường chính sách công và quản lý Fulbight.

Đồng thời TP. HCM cũng thành lập các tổ tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP. HCM

Cùng chuyên mục
Tin khác