TP. HCM: Hàng trăm doanh nghiệp ngành ẩm thực, giải trí kiệt quệ, nguy cơ xóa sổ

Trần Lê - 13/10/2021 07:26 (GMT+7)

(VNF) - Liên tiếp các đợt giãn cách kéo dài khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ẩm thực, giải trí như rạp phim, quán bar, karaoke, tiệm cà phê, thẩm mỹ, làm móng… tại TP. HCM lâm vào tình trạng thiếu vốn, hết vốn, không có khả năng kinh doanh trở lại….

VNF
Nhiều quán bar, nhà hàng ở khu phố Tây (đường Bùi Viện) đã trở thành quầy bán rau củ, thịt, cá (ảnh minh họa)

Doanh nghiệp kiệt quệ

Mới đây, cửa hàng The Coffee House Signature trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3) thông báo đóng cửa. Ngay đầu tháng 10, cửa hàng Starbucks Vietnam cũng thông báo đóng cửa chi nhánh Starbucks Rex tại địa chỉ 141 Nguyễn Huệ (quận 1).

Theo đại diện chuỗi Cloud Cook và Pizza Home, chi phí mặt bằng là một trong những gánh nặng lớn về tài chính đối với các chuỗi F&B trong suốt thời gian hơn 1 năm vừa qua khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.

Chủ của chuỗi karaoke ICool ở TP. HCM vừa có đơn đề xuất xin mở cửa lại ngành karaoke. Bởi từ tháng 3/2020, hoạt động karaoke ở thành phố đã 3 lần bị tạm dừng. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư phải dừng 5 tháng, khiến hoạt động kinh doanh karaoke gặp khó khăn lớn.

Hệ thống này có gần 20 chi nhánh. Bình quân mỗi tháng tốn khoảng 150 triệu đồng/mặt bằng, như vậy tiền thuê mặt bằng cho gần 20 chi nhánh hết khoảng 3 tỷ đồng/tháng. Việc kéo dài đóng cửa có thể dẫn đến xoá sổ ngành; 600 nhân viên và cộng tác viên không có việc làm trong thời gian dài. ICool không có nguồn thu nhưng các chi phí vẫn phát sinh hằng tháng để duy trì cơ sở. Khả năng thanh toán cho nhà cung cấp, chủ nhà, lãi vay ngân hàng đã không còn, chi phí hỗ trợ cho nhân viên và cộng tác viên cũng vượt ngoài khả năng.

Trong khi đó, chuỗi karaoke Nnice mới trả lại một mặt bằng kinh doanh ở đường Điện Biên Phủ (quận 3) do không còn đủ sức cầm cự sau thời gian dài đóng cửa. Doanh nghiệp này vẫn đang hỗ trợ một phần chi phí hàng tháng cho nhân viên lâu năm và lo trả tiền thuê mặt bằng. Ban lãnh đạo phải bỏ tiền túi và vay ngân hàng để trả các khoản chi phí trên. 

Hệ thống rạp BHD Star Cineplex cũng gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2020 đến nay. Dù có lúc được mở cửa kinh doanh, nhưng doanh thu không được bao nhiêu so với chi phí phải gánh suốt 2 năm qua như mặt bằng, lãi ngân hàng, bảo hiểm, lương nhân viên, bảo trì máy móc thiết bị,... Năm 2020, doanh thu của hệ thống rạp BHD đã giảm hơn 70% so với năm 2019. Năm nay, rạp đóng cửa gần 7 tháng.

Ngoài khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp kinh doanh rạp hiện nay còn đối mặt với việc biến động nhân sự khi nhân viên không thể cầm cự được lâu, họ buộc phải tìm hướng đi mới.

Cố gắng cầm cự và xin được hoạt động lại

Cố gắng tìm đường "sống" vượt qua khó khăn vì Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm cách cầm cự.

Hệ thống karaoke Kingdom Karaoke cũng đã đóng cửa từ cuối tháng 4, khi thực hiện chỉ thị của UBND TP. HCM nhằm đảm bảo công tác phòng dịch. Sau gần nửa năm đóng cửa, Kingdom chuyển sang bán thức ăn nấu sẵn như bồ câu tiềm sâm, gà tre tiềm ớt hiểm và các món hải sản tươi sống khác để duy trì dòng tiền kinh doanh.

Khu phố tây nổi tiếng đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) vốn dĩ sầm uất, nhộn nhịp và thu hút lượng khách quốc tế đến nhiều nhất ở TP .HCM với đủ loại hình giải trí từ quán bar, club, karaoke đến quán nhậu. Nhưng sau gần năm tháng ngừng hoạt động vì giãn cách, nay nhiều quán bar, nhà hàng đã trở thành quầy bán rau củ, thịt, cá.

Đứng trước nguy cơ có thể bị xóa sổ vì kiệt quệ, theo quan điểm “Sống chung với Covid-19”, ICool đề xuất nhiều biện pháp phòng, chống dịch tới lãnh đạo TP.HCM cũng như đề xuất được hoạt động trở lại vào 31/10 tới đây.

Nnice cũng mong được sớm mở trở lại và TP. HCM có một bộ tiêu chí riêng sớm cho ngành karaoke. Khi đó, lĩnh vực karaoke sẽ được chủ động, có thời gian chuẩn bị nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong hoạt động khi đã "bình thường mới".

Vào cuối tháng 9/2021, 20 doanh nghiệp sản xuất phim, chương trình truyền hình vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM với mong muốn được phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh chống dịch mới từ ngày 15/10.

20 đơn vị đó là Galaxy play, BHD, VAC Group Holding, HK Films, Công ty TNHH giải trí tổng hợp Thu Trang, Chánh Phương Films, Công ty TNHH văn hóa ABC Pictures, CJ HK, Vietcom Films, Hãng phim Xanh, Công ty TNHH hỗ trợ sản xuất Đông Nam Á, Công ty TNHH Film Clinic, Công ty TNHH hãng phim Anh Tễu, Công ty cổ phần 89s Group, Công ty TNHH phim Đa sắc, Công ty TNHH Mar6 studios, Công ty cổ phần đầu tư thương mại truyền thông DTT, Công ty TNHH Star VN, Công ty cổ phần phát triển TTQC MAC Việt Nam (MCV), Công ty cổ phần giải trí Sidus and tễu.

20 doanh nghiệp đã ký tên không xin hỗ trợ tài chính mà chỉ xin cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới.

Tags:
Cùng chuyên mục
Tin khác