Trăn trở về hành trình nâng cấp 'cò' đất, 'cò' chứng khoán thành cố vấn đầu tư

Bằng Lai - 06/08/2023 18:44 (GMT+7)

(VNF) - Những bất cập trên thị trường chứng khoán, bất động sản thời gian qua khiến các chuyên gia trăn trở và mong muốn các cơ quan quản lý có biện pháp thúc đẩy, tạo điều kiện để nghề cố vấn đầu tư chuyên nghiệp phát triển, giảm thiểu tình trạng xung đột lợi ích giữa môi giới và khách hàng như thực trạng hiện nay.

VNF
Ảnh minh họa

Sự phát triển nhanh chóng của các ngành liên quan đến lĩnh vực tư vấn tài chính như bảo hiểm, cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản đang lộ rõ nhiều bất cập.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Phát triển thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam” với chủ đề: “Định hướng phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam” do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phối hợp với Trường Đại học Văn Lang (VLU) tổ chức, ThS. Nguyễn Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc điều hành kinh doanh bộ phận phát triển Kênh đại lý, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Chubb Việt Nam, cho biết trong những năm qua, từ chỗ nhận thức về bảo hiểm nhân thọ của người dân chưa rõ ràng, đến nay, ngành bảo hiểm nhân thọ đã trải qua thời gian phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, thời gian gần đây có hiện tượng phát triển nóng, đi kèm với nó là những bất cập, tư vấn gian dối làm ảnh hưởng đến khách hàng, nhất là những người dân không hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân.

"Cơ quan quản lý đang vào cuộc để làm trong sạch ngành bảo hiểm nhân thọ. Điều này là rất tốt cho sự phát triển bền vững của nghề bảo hiểm trong tương lai. Cùng với đó, khách hàng cũng có tư duy tốt hơn khi tham gia mua các sản phẩm bảo hiểm. Bản thân các tư vấn viên cũng phải tự nâng cấp mình lên để phục vụ nhu cầu khách hàng một cách khắt khe hơn", ông Sơn nói.

Đại diện Công ty Bảo hiểm nhân thọ Chubb Việt Nam nhấn mạnh triển vọng của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam là rất lớn. Tại Nhật Bản, có tới 90% người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ, ở Singapore là 70%, ở Malaysia là 50%, Indonesia 27% nhưng ở Việt Nam chỉ ở mức 11%. Theo chiến lược phát triển ngành bảo hiểm đến năm 2030, đến năm 2025, mục tiêu sẽ có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và nâng lên 18% vào năm 2030.

"Để tăng từ 11% lên 15% rồi 18%, nguồn nhân lực bảo hiểm nhân thọ cũng phải tăng lên và chất lượng nhân lực phải được nâng cấp để phù hợp hơn với bối cảnh hội nhập quốc tế. Điều này đang được các công ty bảo hiểm thực hiện theo hướng chuyên nghiệp hơn, áp dụng nhiều công nghệ hơn. Chúng tôi cũng đang phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới", ông Sơn chia sẻ.

Một người làm tư vấn tài chính, theo ông Sơn, không chỉ cần có tư duy và kiến thức bảo hiểm nhân thọ mà còn phải có kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn như người làm nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ cần hiểu về luật, hiểu về ngành bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, vì những mảng đó có sự liên kết với nhau. 

Bên cạnh nỗ lực từ các doanh nghiệp, ThS. Nguyễn Thanh Sơn mong muốn Nhà nước sẽ tạo điều kiện để phát triển hoạt động đào tạo chính thống, cung cấp các chứng chỉ về tài chính cá nhân để giúp người làm nghề trở thành nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp.

ThS Nguyễn Thanh Sơn

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng cấp cao phát triển năng lực kinh doanh, Công ty One Mount Real Estate (thuộc One Mount Group), nhấn mạnh điểm chung ở các lĩnh vực như bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản là đều cần hoạch định tài chính cá nhân. 

Riêng trong ngành bất động sản, vì tính chất khan hiếm nên ai cũng nghĩ đến việc mua bất động sản để làm giàu, có tình trạng đổ xô mua bất động sản, kéo theo đó là hệ thống môi giới rất đông đảo. 

"Nhưng không phải ai cũng có thể mua được bất động sản tốt, thậm chí có người tiền mất tật mang. Năm 2022, một dự án bất động sản có hàng dài người xếp hàng mua tới 2 giờ sáng, thậm chí không cần tư vấn mà chỉ cần biết về giá. Họ ra quyết định dựa trên cảm xúc. Hệ lụy là đến ngày hôm nay phải cắt lỗ, thậm chí dù cắt lỗ cũng không bán được hàng. Nguyên nhân là khách hàng chưa có sự chuẩn bị về kế hoạch tài chính. Môi giới cũng chưa quan tâm đến lợi ích khách hàng, chỉ dựa trên lợi ích cá nhân nên mới xảy ra tình trạng như ngày hôm nay", ông Tuấn Anh nói.

Vị chuyên gia này chỉ ra rằng hiện có khoảng hơn 300.000 môi giới bất động sản trên cả nước nhưng chỉ 10% trong số đó có chứng chỉ đào tạo, hành nghề. 

"Chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống khách hàng. Người môi giới phải hiểu hành trình khách hàng, từ các giai đoạn như đi học, đi làm, lập gia đình, sinh con đến giáo dục con cái, tích lũy, lên kế hoạch nghỉ hưu và để lại gia sản thừa kế. Để trở thành người môi giới chuyên nghiệp thì phải học hành bài bản, không còn bị gọi là "cò" nữa mà trở thành nhà cố vấn, nhà tư vấn", ông Tuấn Anh nhắn nhủ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh

Ở góc độ của một người có 15 năm kinh nghiệm môi giới chứng khoán chuyên nghiệp, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần FIDT, cho biết tốc độ phát triển của thị trường chứng khoán trong 23 năm qua rất cao. Từ chỗ chỉ có 2 cổ phiếu niêm yết thì hiện nay đã có tới gần 1.800 cổ phiếu giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM. Rất nhiều sản phẩm tài chính đã được sinh ra. 

Về mặt vốn hóa, giai đoạn năm 2021 đã chứng kiến giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu lên đến 90% GDP Việt Nam. Tuy nhiên, một cuộc điều chỉnh mạnh mẽ đã khiến thị trường sụt giảm kỷ lục trong nhiều năm. 

Trong khi đó, thị trường trái phiếu sau giai đoạn phát triển bùng nổ nhưng thiếu sự kiểm soát đã dẫn tới các vụ việc đáng tiếc, như sự kiện trái phiếu Tân Hoàng Minh hay trái phiếu liên quan đến Vạn Thịnh Phát, khiến cho niềm tin đối với thị trường trái phiếu sụt giảm mạnh.

Một trăn trở tiếp theo của những người làm nghề tư vấn nhiều năm như ông Huỳnh Minh Tuấn là đứng trên góc độ hoạch định tài chính cá nhân, cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, tiết kiệm phải là các kênh phân bổ tài sản với ý nghĩa tích sản, thế nhưng sự sụt giảm mạnh ở thị trường cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản đã khiến vai trò tích sản mất đi ý nghĩa.

Ông Huỳnh Minh Tuấn

Thế nhưng, theo Chủ tịch FIDT, chúng ta đang đứng trước vận hội mới, khi các thị trường cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản được nâng cấp để phát triển hơn trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, dân trí tài chính sẽ ngày càng được nâng cao.

"Nhìn sang Thái Lan, nơi có khoảng 15% dân số tham gia thị trường chứng khoán và giá trị vốn hóa thị trường gần bằng GDP. Hoặc như Đài Loan, có tới gần 80% người dân có căn cước công dân tham gia thị trường chứng khoán. Có những bác lớn tuổi ngồi ăn mì bò nhưng khi tôi hỏi thì họ cũng biết và mong muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tương lai của thị trường chứng khoán Việt Nam đang rộng mở. Những cuộc điều chỉnh hiện nay là tín hiệu tốt để xây dựng thị trường lành mạnh và phát triển hơn, hướng đến những điều tốt đẹp hơn", ông Huỳnh Minh Tuấn nêu quan điểm. 

Trong bối cảnh như vậy, ông Tuấn bày tỏ một trăn trở nữa đối với những người làm nghề tư vấn tài chính hiện nay. Họ cần kiến thức, nền tảng cũng như những tiêu chuẩn chuyên nghiệp.

"Nghề môi giới tại Việt Nam hiện nay mâu thuẫn với lợi ích của khách hàng. Thu nhập cả môi giới gắn với giá trị giao dịch của khách hàng theo cơ chế hoa hồng. Điều này khiến nhiều môi giới thúc đẩy khách hàng giao dịch thật nhiều để nhận được nhiều hoa hồng", ông Tuấn nhận định, đồng thời cho biết cần phát triển mô hình cố vấn đầu tư. Cố vấn đầu tư không thúc ép khách hàng giao dịch mà tư vấn cho khách hàng phân bổ tài sản để đem về kết quả tốt nhất. Đó là tương lai của nghề môi giới chứng khoán. Do đó, Chủ tịch FIDT kiến nghị các cơ quan quản lý tạo điều kiện để phát triển nghề cố vấn đầu tư tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tin khác