'Trắng' đơn hàng 18 tháng, DN vướng bên trong, khó bên ngoài
(VNF) - Khảo sát doanh nghiệp hằng tháng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng thị trường là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay. Thậm chí, một doanh nghiệp may lớn gặp cảnh “trắng” đơn hàng suốt 18 tháng.
15,4 nghìn DN giải thể trong 9 tháng đầu năm
Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 9 tháng vừa qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên đến 163.800 doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, phần lớn số doanh nghiệp rút lui là doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 5 năm và quy mô nhỏ dưới 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thế trong 9 tháng năm 2024 là 61,5 nghìn doanh nghiệp, chủ yếu có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 53,4 nghìn doanh nghiệp (chiếm 86,8%).
Số doanh nghiệp giải thế trong 9 tháng năm 2024 là 15,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Từng là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dêt may tại TP. Hồ Chí Minh với 4.000 nhân sự, doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, giờ đây Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn lại chìm trong khó khăn, phải cắt giảm lao động, bán bớt tài sản nhưng vẫn thua lỗ. Lý do là bởi do không có đơn hàng trong suốt 18 tháng qua.
Cụ thể, giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE), Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) cho biết đến cuối tháng 10 vẫn không có đơn hàng. Trong khi , việc này kéo dài từ tháng 5/2023, tức khoảng một năm rưỡi qua.
Theo báo cáo tài chính, lũy kế 9 tháng, GMC ghi nhận doanh thu hơn 474 triệu đồng, tương đương 6% so với cùng kỳ 2023. Đây chủ yếu là doanh thu đến từ việc cung cấp dịch vụ và mua bán máy thanh lý đã qua sử dụng. Trong khi công ty không hề ghi nhận phần doanh thu nào từ bán thành phẩm.
Dù đã tiết giảm, nhưng nhóm các chi phí cố định vẫn lớn hơn nhiều so với các nguồn thu. Tổng chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp hơn 32 tỷ đồng, phần lớn là khấu hao tài sản cố định.
Lỗ lũy kế lên gần 82 tỷ đồng, khiến cổ phiếu doanh nghiệp chưa thoát tình trạng bị kiểm soát. Trước đó, mã chứng khoán của Garmex Sài Gòn bị HoSE đưa vào diện kiểm soát từ cuối tháng 8 vì ghi nhận lỗ lũy kế gần 73 tỷ đồng.
Để khắc phục tình trạng ảm đạm, công ty nghiên cứu đầu tư các ngành mới, tiết giảm chi phí và thanh lý các tài sản không sử dụng. Ngoài kinh doanh thêm nhà thuốc tại trụ sở, GMC thúc đẩy công ty con hoàn thành dự án nhà ở Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) để bán sản phẩm, thu hồi vốn đầu tư.
Tới thời điểm này, Garmex Sài Gòn chỉ còn 31 lao động, giảm 4 người so với cuối năm 2023. Năm ngoái, doanh nghiệp này sa thải 1.947 việc làm, còn 2022 là 1.828 người.
Cắt giảm lao động là một trong những biện pháp chính mà doanh nghiệp này lựa chọn để giảm lỗ. Garmex Sài Gòn cho biết nếu giữ sản xuất tại các nhà máy khiến "công ty lỗ rất nhiều".
Vắng đơn hàng: Thị trường là khó khăn lớn nhất
Không chỉ riêng Garmex Sài Gòn đang gặp khó vì không có đơn hàng hay nói rộng hơn là gặp khó khăn từ thị trường.
Khảo sát doanh nghiệp hằng tháng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng thị trường là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay.
Theo khảo sát xu hướng kinh doanh doanh nghiệp tháng 9/2024 của Tổng cục Thống kê, hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn từ thị trường trong nước và áp lực cạnh tranh trên thị trường.
Chưa dừng lại ở đó, khó khăn của doanh nghiệp còn bởi thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo, tập trung tháo gõ, vướng mắc, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.
Về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hoặc triển khai nhưng hiệu quả đạt được chưa cao.
"Bên cạnh đó, các khó khăn về vốn, mặt bằng, đất đai cũng là những tồn tại khiến nhiều dự án bị đình trệ, chậm tiến độ và buộc phải giải thể. Ngoài ra, môi trường quốc tế tồn tại nhiều vấn đề bất ổn, thiên tai, bão lũ cũng là một trong những nguyên nhân của những khó khăn này", ông Dũng chỉ ra.
Trước thực trạng này, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2025 đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách có tính tổng thể, toàn diện để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trong nước.
Trong đó nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp, như tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thế chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ tiếp tục xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tập trung cao độ, ưu tiên tối đa thời gian và nguồn lực cho công tác hoàn thiện thế chế theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
'Doanh nghiệp tư nhân không cần tiền, họ cần cơ chế'
- Doanh nghiệp xoay xở vốn làm ăn cuối năm 04/11/2024 07:00
- Doanh nghiệp Việt chi 2.700 tỷ nhập khẩu ‘vàng đen’ 02/11/2024 03:15
- Trung tâm phục vụ hành chính công Hà Nội: Nâng cao hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp 25/10/2024 09:19
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.