'Doanh nghiệp tư nhân không cần tiền, họ cần cơ chế'

Tuệ Lâm - 04/11/2024 17:25 (GMT+7)

(VNF) - Nhấn mạnh đến điểm nghẽn thủ tục, đại biểu Quốc hội cho rằng doanh nghiệp tư nhân có thể không cần tiền, nhưng họ rất cần cơ chế.

Nội dung này được đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết tại phiên thảo luận của Quốc hội về về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, diễn ra chiều 4/11.

Đại biểu Trịnh Xuân An.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An quan tâm đến nguồn lực trong bối cảnh Việt Nam dành một nguồn lực rất lớn của xã hội, của nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển xã hội.

Mặc dù vậy, ông An lo ngại trước tốc độ tăng vốn của đầu tư tư nhân giảm, chỉ khoảng 7% trong 9 tháng đầu năm nay. Mức này thấp hơn một nửa so với giai đoạn trước.

Điều này theo ông An là nghịch lý khi đầu tư công chưa dẫn dắt được đầu tư tư nhân, dù nguồn lực công vừa qua được tung ra cho các dự án hạ tầng, nhất là giao thông rất lớn, trên 800.000 tỷ đồng.

"Tại sao đầu tư công lớn mà không dẫn dắt được đầu tư tư?", đại biểu Trịnh Xuân An nêu vấn đề và nhấn mạnh vướng mắc ở đây chính là thủ tục.

Theo ông An, doanh nghiệp tư nhân có thể không cần tiền, họ rất cần cơ chế. Do đó, cần làm rõ được điểm nghẽn này để thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư vào vào nền kinh tế.

Trước bối cảnh này, đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng phải lấy doanh nghiệp làm trụ cột và phải đầu tư doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Ông đề xuất đối với công trình trọng điểm quốc gia, nên mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư để tăng tỷ trọng đầu tư tư đối với toàn xã hội.

Cũng phát biểu về điểm nghẽn thủ tục, đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) cho biết việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính có một số thành tựu nhưng việc giải quyết thủ tục hành chính của một số cơ quan còn kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra giám sát, nhất là trong quy trình phối hợp trao đổi lấy ý kiến giữa các cơ quan bộ ngành.

Đối chiếu giữa quy định thời hạn giải quyết trong luật và thực tế còn khoảng cách rất xa. Đại biểu đoàn Phú Thọ dẫn chứng ngay việc triển khai hai dự án trọng điểm về xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp huyện Hạ Hòa và huyện Tam Nông (Phú Thọ).

Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất các nhà đầu tư đã quan tâm khởi động dự án từ tháng 9/2018, nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 3/2021 và hoàn thiện bổ sung hồ sơ vào tháng 8/2022.

Quá trình xử lý hồ sơ dự án từ khi khởi động, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành 51 văn bản xin ý kiến, báo cáo, giải trình gửi các bộ ngành xin ý kiến về thủ tục đất đai, đấu nối giao thông, sắp xếp lại tài sản công và nhiều thủ tục liên quan đến dự án.

"Việc trả lời của các bộ ngành rất chậm, không theo quy trình một cửa, chưa thực sự quan tâm đến người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ", ông Nam nhấn mạnh

Từ thực tiễn trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính, tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới, cải cách từ trung ương đến địa phương.

Từ đó để các cơ quan thực hiện đúng và đủ quy định, đúng nguyên tắc giải quyết thủ tục hành chính, đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với địa phương theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách niệm.

"Cùng với đó cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp", ông Nam nhấn mạnh.

Dự án 'trùm mền', công trình 'đắp chiếu' vẫn 'trơ gan cùng tuế nguyệt'

Dự án 'trùm mền', công trình 'đắp chiếu' vẫn 'trơ gan cùng tuế nguyệt'

Tiêu điểm
(VNF) - Đề cập đến các dự án 'trùm mền', công trình 'đắp chiếu' trên phạm vi cả nước, đại biểu Quốc hội cho rằng điều này đang gây lãng phí về cơ hội phát triển và lãng phí niềm tin của nhân dân.
Cùng chuyên mục
Tin khác