Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, diễn ra ngày 4/11, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề cập đến vấn đề lãng phí và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, lãng phí là vấn đề không mới vì hàng năm đều được Quốc hội đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, đây lại luôn là vấn đề mang tính thời sự, vì kìm hãm phát triển, là lực cản của đất nước hùng cường, đưa nhân dân ta ấm no, hạnh phúc.
Đề cập vấn đề lãng phí về nguồn lực xã hội, nguồn lực của đất nước trong các dự án "trùm mền", công trình "đắp chiếu" hiện nay trên phạm vi cả nước, ông Thông cho biết hiện chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ, chính xác về sự lãng phí kể trên, nhưng theo ông, con số này không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
"Đó là con số về mặt tài chính, còn những lãng phí, hệ lụy xoay quanh như lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước thì không đo đếm hết và trên hết đó là lãng phí niềm tin của nhân dân", ông Thông nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông dẫn chứng một số dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành hoặc hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống, xây dựng dở dang rồi "trơ gan cùng tuế nguyệt"; rồi các công trình, dự án xây dựng hàng chục năm chưa xong…
Theo ông Thông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến lãng phí nhưng dù nguyên nhân gì đi chăng nữa đây là của cải, nguồn lực của xã hội, của đất nước, nên cần tháo gỡ.
Theo đại biểu đoàn Bình Thuận, việc này, Quốc hội, Chính phủ có chủ trương bàn về giải pháp tháo gỡ các dự án vướng mắc trong các phiên họp gần đây là quan điểm đồng hành, kiến tạo cho phát triển của đất nước… Nhưng đây không phải là quan điểm "hợp thức hoá sai phạm".
Ông Thông cho biết, ngay trong kỳ họp này, Quốc hội xem xét nhiều nội dung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, rồi xem xét cho ý kiến về dự thảo nghị quyết về chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở TP. HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa…
"Tôi rất mong tiếp tục rà soát dự án, công trình vướng mắc hiện nay. Các dự án qua thanh tra, điều tra, chậm do triển khai văn bản chưa đồng bộ. Có thể ban hành cơ chế đặc thù cho các dự án, địa phương để nhân rộng, phát triển đất nước", ông Thông nói.
Cũng nói về vấn đề lãng phí tại phiên thảo luận, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng tình trạng lãng phí có những nguyên nhân chủ yếu như còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Bên cạnh đó, có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế có lãng phí về cơ hội và thời gian.
Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành mình vào trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động nhưng do cách làm cán bộ, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình phụ thuộc nên một số dự án mới đem lại hiệu quả không mong muốn.
Nguyên nhân cuối cùng được bà Hoa chỉ ra là chế tài xử lý lãng phí đã có, nhưng tính răn đe chưa cao. Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở.
Bộ luật Hình sự cũng mới có hai điều đề cập đến các hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí. Đó là Điều 179 tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Điều 219 tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trên thực tế các điều luật này ít khi được áp dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác như Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Với cách xử lý này, đại biểu Hoa cho rằng tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về chống lãng phí chưa cao. Bà đề nghị Quốc hội nghiên cứu, tìm giải pháp "chống lãng phí thành công như chống tham nhũng" để đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.