'Có những anh bằng quan hệ kiếm được dự án, nhưng năng lực thực thi không có'
Tuệ Lâm -
30/10/2024 17:37 (GMT+7)
(VNF) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu thực tế "có những anh bằng quan hệ kiếm được dự án nhưng năng lực thực thi không có, sau đó chuyển nhượng, tạo nên lãng phí rất lớn".
Ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.
Thảo luận tại tổ về nội dung này, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tinh thần xây dựng pháp luật để vừa quản lý tốt nhưng phải thông thoáng, tạo hành lang cho kiến tạo, phát triển, "chứ không phải cái gì không quản được thì cấm". Theo ông Bình, thực tiễn diễn biến rất nhanh nếu pháp luật không đáp ứng được thì sẽ mất cơ hội.
Sửa luật sẽ trao quyền nhiều hơn cho cơ sở, Chính phủ thì giao cho tỉnh, Quốc hội thì giao cho Chính phủ.
Nêu tinh thần chung sửa Luật Quy hoạch, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết một số quy hoạch đã được quy định trong các luật chuyên ngành, còn một số quy hoạch Chính phủ đề xuất đưa vào lần sửa đổi này để không tạo khoảng trống.
Về Luật Đầu tư, ông Bình cho biết, những vấn đề khó, vướng mắc đã được Chính phủ lựa chọn đưa vào lần sửa đổi này. Trong đó có quy định chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai nhằm giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng cho hay, các địa phương đang rất cần quy định này bởi trên thực tế "có những anh bằng quan hệ kiếm được dự án nhưng năng lực thực thi không có, sau đó chuyển nhượng, tạo nên lãng phí rất lớn".
Về Luật PPP, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ cần nguồn lực Nhà nước mà còn cần nguồn lực xã hội, ODA... Luật PPP hiện hành đã loại bỏ phương thức hợp đồng BT nhưng lần sửa đổi này Chính phủ đề xuất áp dụng trở lại trên tinh thần kiểm soát chặt chẽ hơn.
Về quy định tỷ lệ vốn góp của Nhà nước, có đại biểu cho rằng không nên hạn chế tỷ lệ huy động vốn trong dự án PPP, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết "nếu để doanh nghiệp 100% thì sẽ không kêu gọi được ai, Nhà nước phải chiếm tỷ trọng cao, doanh nghiệp tham gia một phần thì may ra họ mới tham gia"... Có những dự án rất khó kêu gọi nhà đầu tư tham gia PPP cho nên phải tăng tỷ lệ góp vốn Nhà nước lên.
"Để thu hút được nhà đầu tư vào các dự án khó thì phần góp của Nhà nước phải vượt tỷ lệ hiện nay là 50% nhưng không vượt quá 70%", ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là "thủ tục phải rất đơn giản", "chứ còn xách hồ sơ đi hết cửa nọ, cửa kia thì phiền hà cho doanh nghiệp".
Có đại biểu đề xuất toàn bộ thủ tục giao cho Chính phủ quy định để năng động hơn, ông Nguyễn Hòa Bình bày tỏ đồng tình với đề xuất này.
"Chúng ta tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Khi công khai trình tự thủ tục này cũng đảm bảo xây dựng Chính phủ liêm chính. Không phải vác hồ sơ đi chạy lòng vòng có nghĩa việc xin - cho bị hạn chế. Thủ tục đơn giản thì thuận lợi cho doanh nghiệp, loại trừ việc phiền hà, nhũng nhiễu, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Thủ tục gọn nhẹ cũng giúp chống lãng phí bởi có khi dự án thực hiện 1 năm nhưng thủ tục thì 2 năm...", Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nói.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.