Treo tiền trong tài khoản, nộp tiền mất phí: Bất cập khiến tài xế bức xúc với VETC

Kỳ Thư - 28/03/2024 23:14 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều tài xế phản ánh, dùng tài khoản EVTC bị treo tiền khi không dùng hết. Theo các chuyên gia, đây là bất cập lớn của một ứng dụng thanh toán quan trọng gây thiệt hại cho người dùng. DN đã thu được rất nhiều lợi ích từ VETC nhưng lại chậm hoàn thiện sản phẩm là điều khó chấp nhận.

Nhiều tài xế bị treo tiền ở tài khoản VETC

Phản ánh tới VietnamFinance, nhiều tài xế cho biết, dù đã được cải tiến nhưng việc thu phí qua VETC vẫn bộc lộc nhiều bất cập, gây khó khăn cho người sử dụng.

Tài xế Tiến Nguyễn cho biết, việc dùng ví VETC sẽ được chuyển tiền miễn phí nhưng tài khoản giao thông trước đó lại bị treo dẫn tới việc không rút cũng không chuyển được tiền. “Thế là cứ bị “om” tiền ở đó”, anh Tuyến Nguyễn phản ánh.

Một vấn đề khác cũng được các tài xế phản ánh đó là vấn đề nạp tiền vào VETC bị mất phí. Theo đó, tài xế Tuyền Dung cho biết việc anh đã nạp 700 nghìn đồng vào VETC bị thu phí mất 8 nghìn đồng. Trong khi các ngân hàng đã chuyển 24/7 miễn phí giữa các ngân hàng và nhiều loại ví thanh toán cũng có chương trình ưu đãi hoàn, miễn phí để thu hút khách sự

Tương tự, tài xế Hoanh Dat Nguyen cũng cho biết, anh đã nạp tiền vào tài khoản VETC 500 nghìn đồng và cũng bị thu phí mất hơn 5 nghìn đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh các tài khoản ngân hàng và các ví tiêu dùng đã liên kết với nhau với mức phí cạnh tranh thì việc thu phí người dùng hay những bất cập trong rút nạp tiền vào tài khoản sẽ làm giảm đi tính cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo nên sự phiền toái cho người dùng.

 

Theo TS Châu Đình Linh, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM, hình thức thanh toán này sẽ giúp cho các tài xế có thể thanh toán những khoản phí đường bộ qua các trạm thu phí BOT. Trong đó có 2 loại: thu phí không dừng và thu phí hỗn hợp mà khi lưu thông trên đường cao tốc thì không được dừng. Do đó, các tài xế phải có tài khoản của thẻ này, phải đăng ký và cấp phép bởi Bộ Giao thông - Vận tải.

Vấn đề ở đây, theo ông Linh là việc bắt buộc phải nạp tiền vào mới có thể lưu thông được, khi nạp tiền thì có nhiều sự lựa chọn, tính toán câu chuyện đi quãng đường ra sao để nạp số tiền phù hợp. Điều này gây ra tình trạng số dư vẫn tồn tại trong tài khoản nếu mình không sử dụng hết.

“Tuy nhiên, số dư này cũng không thể chuyển sang cho tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử để tiêu dùng, thì đây là một bất cập lớn”, ông Linh nói.

Trong khi đó, một chuyên gia về thanh toán cho rằng, với thực tế các tài xế phản ánh thì rõ ràng đây là một ứng dụng chưa hoàn thiện. Mặc dù chưa hoàn thiện nhưng nó đã được đưa ra cho hàng trăm nghìn người dùng và DN chắc chắn đã hưởng được nhiều lợi ích. Vị chuyên gia nhấn mạnh thêm, ứng dụng VETC liên quan nhiều người và lượng tiền thanh toán không hề nhỏ nên việc việc chưa hoàn thiện sẽ gây ra nhiều rắc rối và thiệt hại.

Người tiêu dùng có thể lựa chọn dịch vụ cạnh tranh hơn

Theo quan điểm của ông Linh, trước tiên về nguyên tắc quản lý phải thực hiện là P-D-C-A (Plan-Do-Check-Act) để có thể nhận những phản hồi từ khách hàng nhằm cải thiện những chính sách, quy định sao cho phù hợp hơn, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người sử dụng dịch vụ.

“Khi đứng ở vai trò là người dùng thì luôn mong muốn điều đó, nhưng khi ở vai trò là người cung cấp dịch vụ họ muốn tối đa hóa lợi ích cho họ, từ đó sinh ra những mâu thuẫn và xung đột bên trong”, ông Linh Phân tích.

Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ông Linh cho rằng giải pháp ở đây phải đến từ đơn vị quản lý hành chính là cơ quan có thẩm quyền cần có những quy định rõ ràng hơn về vấn đề chuyển vào, chuyển ra giữa tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử với tài khoản thu phí không dừng, vì đây là tài sản của người dùng.

“Không nên quy định cứng nhắc về vấn đề này tránh dư luận không tốt, quy chụp cho câu chuyện do độc quyền mà sinh ra”, ông Linh nói.

Trong trường hợp, nếu bên cung cấp dịch vụ muốn giữ lại số tiền đó thì phải nghĩ đến lợi ích của người dùng khi duy trì số dư này như thế nào, ví dụ như các chương trình khuyến mãi hay được triết khấu.

“Bởi bản chất đây là tài sản của khách hàng nên phải tôn trọng tài sản này, nhưng hiện tại có mâu thuẫn do lợi ích 2 bên khác nhau cho nên tôi kiến nghị các cơ quan quản lý phải có những quy định đảm bảo hài hòa giữa các bên”, ông Linh phân tích.

Về vấn đề một số tài xế phản ánh việc họ phải mất phí khi nạp tiền vào thẻ, ông Linh cho biết ở đây có 2 chủ thể khác nhau, một bên là tài khoản thu phí không dừng, một bên là ví điện tử, tài khoản ngân hàng, cho nên việc họ thu phí dịch vụ.

Tuy nhiên, có một thực tế là rất nhiều ví điện tử khác lại đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi, hoàn hay miễn phí để thu hút người dùng. Nhưng có vẻ với VETC ở 1 vị thế tài xế buộc phải dùng và hiện cũng khống có nhiều lựa chọn nên DN không cần hút khách và tìm cách tăng thu.

Từ đây có thể thấy, câu chuyện đòi hỏi phảo có cạnh tranh. Cụ thể, không chỉ có 1 đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng mà còn 2,3 đơn vị khác cũng tham gia, nếu đơn vị nào cung cấp lợi ích gia tăng thì sẽ khuyến khích các tài xế chuyển sang sử dụng dịch vụ của đơn vị đó.

“Chẳng hạn, tôi đang dùng ePass của Viettel, nếu nạp tiền từ Zalopay thì sẽ được miễn phí hoàn toàn còn nếu nạp từ những ví điện tử khác hay tài khoản ngân hàng thì có thể sẽ phát sinh ra khoản phí do 2 hệ thống đấu nối do 2 đơn vị cung cấp dịch vụ khác nhau".

Trong khi đó, chúng ta là người có quyền lựa chọn đơn vị cung cấp nên các tài xế cần cân nhắc nên lựa chọn phương thức nào, với chi phí bỏ ra thấp nhất thì ưu tiên. Việc cạnh tranh giữa các nhà cung cấp đã đem lại lợi ích cho khách hàng ở chỗ đó”, ông Linh phân tích.

Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng từng chia sẻ, việc thanh toán phí đường bộ về mặt kỹ thuật không nhất thiết phải có 1 tài khoản riêng mà hoàn toàn có thể từ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của mỗi khách hàng. Điều đó không chỉ giúp người dân đỡ phiền phức khi phải có quá nhiều ứng dụng chuyên biệt, đồng thời cũng giúp quản lý nguồn tiền một cách thuận lợi hơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác