Trung Quốc muốn đưa người vào Tòa Quốc tế về Luật Biển, Mỹ kêu gọi tẩy chay

Thanh Tú - 04/08/2020 13:14 (GMT+7)

(VNF) - Trung Quốc đã ứng cử một ứng viên của nước này vào Hội đồng thẩm phán của Tòa Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Tuy nhiên Mỹ đang nỗ lực kêu gọi các nước tẩy chay ứng viên này khi cho rằng chính Bắc Kinh đã coi thường Luật Biển quốc tế tại Biển Đông.

VNF
Tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc hoạt động tại Biển Đông (Ảnh: AFP)

"Việc bầu một quan chức Trung Quốc vào cơ quan này giống như thuê một người chuyên đốt phá để điều hành sở cứu hỏa", David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương phát biểu tại Hội thảo biển Đông thường niên lần thứ 10 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) vào tháng 7.

"Chúng tôi đề nghị tất cả các nước tham gia vào kỳ bầu cử bổ sung thẩm phán ITLOS sắp tới hãy đánh giá cẩn thận năng lực, phẩm chất của ứng viên Trung Quốc và cân nhắc xem, liệu một thẩm phán Trung Quốc được bầu vào Hội đồng thẩm phán ITLOS sẽ giúp thúc đẩy hay kéo lùi luật biển quốc tế. Với những hành động của Bắc Kinh thời gian qua, câu trả lời đã rõ ràng", nhà ngoại giao Mỹ khẳng định,

Tòa Quốc tế về Luật Biển dự kiến sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 8 hoặc tháng 9 để chọn ra 7 thẩm phán với nhiệm kỳ 9 năm. Tất cả 168 bên ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ tham gia bỏ phiếu. Tuy nhiên, vì Mỹ chưa phải là thành viên UNCLOS nên không có quyền bỏ phiếu trong cuộc bỏ phiếu sắp tới.

UNCLOS là một hiệp ước quốc tế vạch ra các quyền và nghĩa vụ của các nước trong không gian đại dương thế giới. UNCLOS là nền tảng để các tòa án quốc tế như ITLOS căn cứ vào đó mà giải quyết các bất đồng hàng hải.

Từ năm 1996 đến nay, trong số 46 thẩm phán được bầu vào Hội đồng thẩm phán ITLOS luôn có 3 người Trung Quốc.

Trong danh sách 10 ứng viên chạy đua vào 7 vị trí thẩm phán ITLOS năm nay có nhà ngoại giao Trung Quốc Duan Jielong (Đoàn Khiết Long). Ông Đoàn Khiết Long có thời gian theo học chuyên ngành Luật tại Mỹ, từng đảm nhiệm chức vụ Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Sự có mặt của ứng viên Trung Quốc lần này đã gây ra tranh cãi trong bối cảnh thời gian qua, Bắc Kinh, dù là một thành viên của UNCLOS 1982, luôn không tuân thủ những quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gia tăng trên chính trường quốc tế về yêu sách của họ với hầu hết khu vực Biển Đông. Trong tháng 7, lần lượt Mỹ đến Úc, vốn là những nước không có tranh chấp ở Biển Đông, đã lên tiếng bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc tại khu vực vì cho rằng không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mới nhất, Malaysia mới đây đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về "quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán" liên quan đến các khu vực hàng hải ở Biển Đông, được bao quanh bởi cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".

Xem thêm >> Hậu đe dọa cấm cửa, ông Trump tiếp tục ra ‘tối hậu thư’ với TikTok

Cùng chuyên mục
Tin khác