Thế giới tuần qua: Ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục, Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông

Minh Đăng - 18/07/2020 10:32 (GMT+7)

(VNF) - Nga và phương Tây nảy sinh mâu thuẫn trong cuộc đua vaccine phòng Covid-19, Mỹ áp đặt lệnh cấm liên quan đến 5 công ty công nghệ Trung Quốc, ca mắc Covid-19 mới gia tăng kỷ lục trên toàn cầu… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

VNF
Tính đến hết ngày 17/7, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên gần 14 triệu người.

Ca mắc Covid-19 mới gia tăng kỷ lục

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ghi nhận sự gia tăng kỷ lục số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu trong ngày 17/7 với 237.734 ca mắc mới. Kỷ lục trước đó là vào ngày 12/7 với 230.370 ca. 

Như vậy, tính đến hết ngày 17/7, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên gần 14 triệu người, đánh dấu một mốc quan trọng khác trong sự lây lan của căn bệnh đã giết chết hơn 590.000 người trong 7 tháng qua.

Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi lần lượt là những nước có số ca mắc tăng cao nhất.

Mỹ ghi nhận thêm 77.638 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua, mức tăng cao nhất từ trước tới nay, chủ yếu ở các bang phía nam và phía tây. Như vậy, Mỹ hiện ghi nhận tổng cộng ca nhiễm và tử vong lần lượt là 3.770.012 và 142.064.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Brazil đã vượt mốc 2 triệu trường hợp, cao thứ hai thế giới sau Mỹ, trong đó hơn 77.800 người đã tử vong. Số ca mắc mới trong ngày tại Brazil là gần 31.600 bệnh nhân.

Tại tâm dịch lớn thứ ba thế giới Ấn Độ, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã vượt 1 triệu trường hợp, hơn 26.000 người tử vong. Đặc biệt, số ca mắc mới trong ngày qua tại Ấn Độ còn cao hơn Brazil với hơn 34.800 bệnh nhân.

Mỹ bác gần hết yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/7 đã có tuyên bố chính thức về lập trường của Mỹ ở Biển Đông. Tuyên bố được đưa ra ngay sau dịp kỷ niệm 4 năm ngày Toà trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ra phán quyết về Biển Đông.

Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompe nêu rõ: “Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng. Thế giới không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng họ".

Tàu chiến Mỹ trong một chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên biển Đông hôm 6/7. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Ông Pompeo khẳng định "Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong bảo vệ chủ quyền của họ với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế".

Trong tuyên bố, Mỹ bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với các khu vực quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), bãi đá Luconia ngoài khơi Malaysia, các vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Brunei, và vùng biển quanh đảo Natuna Besar của Indonesia.

“Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối việc đánh cá và phát triển hydrocarbon (dầu mỏ) của các bên khác ở những vùng biển này, hoặc đơn phương thực hiện các hành động ấy, là phi pháp”, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.

Ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ngày 14/7 cho biết Mỹ đang cân nhắc trừng phạt quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến hành vi chèn ép ở Biển Đông.

Nga và phương Tây nảy sinh mâu thuẫn trong cuộc đua vaccine Covid-19

Ngày 16/7, giới chức an ninh các nước Anh, Mỹ và Canada đã đồng loạt cáo buộc các nhóm tin tặc Nga cố gắng đánh cắp dữ liệu nghiên cứu về thuốc điều trị và vaccine Covid-19 của nhiều cơ sở trên toàn cầu.

"Trong suốt năm 2020, nhóm tin tặc APT29 đã nhắm vào các tổ chức khác nhau liên quan đến phát triển vaccine Covid-19 ở Canada, Mỹ và Anh, có thể xác định ý định đánh cắp dữ liệu thông tin liên quan đến việc phát triển và thử nghiệm vaccine điều trị Covid-19", Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh (NCSC) cho biết trong một báo cáo công bố hôm 16/7.

Theo báo cáo, NCSC cho rằng nhóm tin tặc APT29 “gần như chắc chắn hoạt động như một phần của cơ quan tình báo Nga và hiện hoạt động tấn công vẫn đang diễn ra”.

NCSC kêu gọi các tổ chức an ninh thực hiện các biện pháp tích cực để phát hiện, ngăn cản hành động của nhóm tin tặc.

Nga và phương Tây nảy sinh mâu thuẫn trong cuộc đua vaccine Covid-19.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định, Anh sẽ làm việc với các đồng minh để bắt thủ phạm phải chịu trách nhiệm.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ cáo buộc này của phương Tây.

Ông Peskov cho rằng những cáo buộc này không có bằng chứng xác đáng và cơ quan tình báo Nga không tiến hành bất kỳ cuộc tấn công mạng nào nhằm vào các tổ chức nghiên cứu vacvine chống Covid-19 ở các nước khác.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng những cáo buộc Nga đánh cắp các dữ liệu vaccine là rất “mơ hồ và mâu thuẫn”.

Mỹ áp đặt lệnh cấm liên quan đến 5 công ty công nghệ Trung Quốc

Ngày 16/7, Chính phủ Mỹ đã ra lệnh cấm các cơ quan chính phủ mua sắm thiết bị và dịch vụ của bất cứ doanh nghiệp nào sử dụng sản phẩm từ 5 công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm Huawei, ZTE, Hytera Communications, Hangzhou Hikvision Digital Technology và Dahua Technology.

Hãng thông tấn Kyodo dẫn các văn bản chính thức của chính phủ Mỹ cho biết, lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 13/8. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn đối với Huawei cũng như các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, cho rằng những doanh nghiệp này gây ra nhiều rủi ro đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Mỹ áp đặt lệnh cấm liên quan đến 5 công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó có Huawei và ZTE.

Theo Công báo liên bang, các cơ quan chính phủ Mỹ sẽ không được ký kết, gia hạn hay kéo dài hợp đồng với những công ty sử dụng các dịch vụ và thiết bị viễn thông, giám sát qua video do các doanh nghiệp Trung Quốc nói trên cung cấp. Một số trường hợp có thể được miễn áp dụng lệnh cấm trong những hoàn cảnh nhất định, nhưng phải trải qua quá trình xem xét và đánh giá nghiêm ngặt.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 15/7 cho biết Mỹ sẽ áp đặt hạn chế thị thực đối với một số nhân viên làm việc cho các công ty công nghệ của Trung Quốc như Huawei.

Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ

Từ đầu tháng 6/2020 đến nay, mưa lớn, lũ lụt và động đất đã xảy ra tại nhiều địa phương của Trung Quốc, gây tổn thất và thiệt hại to lớn về người và tài sản cho nhân dân vùng bị nạn.

Ngày 17/7, nhiều khu vực rộng lớn tại miền Trung và miền Đông Trung Quốc phải hứng chịu các trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa bối cảnh tình trạng gián đoạn các chuỗi cung ứng then chốt ngày càng gia tăng và thiệt hại về kinh tế ngày càng nặng nề.

Thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc và các tỉnh An Huy, Giang Tây, Chiết Giang cùng ngày đã ban bố cảnh báo đỏ do mưa lớn khiến mực nước các sông hồ tràn bờ.

Từ đầu tháng 6/2020 đến nay, mưa lớn, lũ lụt và động đất đã xảy ra tại nhiều địa phương của Trung Quốc.

Chính quyền Vũ Hán khuyến cáo cư dân thành phố cần đề phòng thận trọng do mực nước dâng nhanh đã tiệm cận mức báo động.

Các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley nhận định hoạt động kinh tế ở nhiều khu vực của Trung Quốc sẽ tiếp tục chịu tác động nặng nề do mưa lũ. Ước tính, các trận lũ lụt gần đây tại các khu vực Sông Dương Tử chảy qua có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 0,4-0,8 điểm phần trăm trong quý 3/2020.

Theo thống kê của Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc (MEM), chỉ riêng từ đầu tháng 7 đến nay, mưa lũ đã ảnh hưởng tới 20,27 triệu lượt người của 24 tỉnh, thành và khu tự trị ở nước này, làm 23 người chết và mất tích, gần 1,8 triệu lượt người phải di dời khẩn cấp.

Khoảng 89.000 ngôi nhà bị hư hại do lũ lụt. Thiệt hại kinh tế trực tiếp do lũ lụt trong nửa đầu tháng 7 lên tới 49,18 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7 tỷ USD).

Xem thêm >> Huawei cùng 4 công ty công nghệ Trung Quốc lại lĩnh ‘đòn đau’ từ Mỹ

Cùng chuyên mục
Tin khác