Trung Quốc ‘quan ngại’ trước khủng hoảng Myanmar nhưng phản đối trừng phạt

Mộc An - 01/04/2021 17:49 (GMT+7)

(VNF) - Trung Quốc quan ngại trước những diễn biến gần đây tại Myanmar nhưng không đồng tình với việc gây sức éo và trừng phạt bởi cho rằng điều này sẽ chỉ càng làm nghiêm trọng thêm tình hình.

VNF
Ít nhất 536 người biểu tình Myanmar đã thiệt mạng kể từ sau vụ đảo chính hồi tháng 2.

Phát biểu tại cuộc tham vấn nội bộ về tình hình Myanmar của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ)ngày 31/3, Đại sứ Trương Quân, Trưởng phái đoàn của Trung Quốc tại LHQ cho biết, nước này “quan ngại” trước tình hình căng thẳng hiện nay tại Myanmar.

"Trung Quốc hy vọng Myanmar sẽ khôi phục hòa bình, ổn định và trật tự càng sớm càng tốt, tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân chủ một cách ổn định", ông Trương nêu rõ.

Theo vị Đại sứ Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định ở Myanmar là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Nếu Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kéo dài, đó sẽ là thảm họa cho cả Myamnar và toàn khu vực.

Tuy nhiên, ông Trương bác bỏ việc gây sức ép lên chính quyền quân sự Myanmar bởi ông cho rằng việc “kêu gọi trừng phạt hoặc sử dụng các biện pháp cưỡng chế khác chỉ làm nghiêm trọng hơn căng thẳng và tình trạng đối đầu, mà không hề có tính xây dựng”.

Vị Đại sứ đồng thời kêu gọi bảo vệ doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh hàng chục nhà máy do người Trung Quốc làm chủ bị thiêu cháy trong các cuộc xung đột giữa lực lượng an ninh Myanmar và người biểu tình.

Những tuyên bố của vị Đại sứ Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Phòng Thương mại Mỹ (USTR) ngày 29/3 thông báo Mỹ đã đình chỉ ngay lập tức toàn bộ giao dịch thương mại với Myanmar trong khuôn khổ Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư (Trade and Investment Framework Agreement - TIFA) năm 2013 và chỉ nối lại cho tới khi Myanmar khôi phục một chính phủ được bầu một cách dân chủ.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi ngày 30/3 cũng thông báo Nhật đã chính thức dừng cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mới cho Myanmar

Ông Motegi lập luận việc dừng cấp ODA sẽ có hiệu quả hơn trong việc gây áp lực lên quân đội Myanmar so với các lệnh cấm vận mà Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp dụng.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/3 công bố áp biện pháp trừng phạt lên 11 người có liên quan tới cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar hôm 1/2. Trong số này có Thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar.

Theo đó, những người này sẽ bị áp lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản tại EU. Đến nay EU vẫn áp dụng lệnh cấm vận vũ khí với Myanmar và khối này cũng nhắm trừng phạt tới một số quan chức quân đội cấp cao Myanmar từ năm 2018.

Theo Hãng tin Reuters, EU dự kiến sẽ sớm đưa ra các biện pháp mạnh tay hơn khi khối này muốn nhắm tới các doanh nghiệp do quân đội Myanmar điều hành.

Các cuộc biểu tình lớn đã liên tiếp diễn ra trên khắp Myanmar sau khi quân đội lên nắm chính quyền ngày 1/2. Hơn 70% công chức, bao gồm cả các nhân viên y tế, đã tham gia vào chiến dịch dân sự không tuân phục chính quyền.

Quân đội và cảnh sát Myanmar sử dụng vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và cả súng quân dụng để giải tán người biểu tình.

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Myanmar (AAPP), ít nhất 536 dân thường đã chết trong biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar gần hai tháng qua.

Xem thêm >> Kênh đào Suez: Tổng thiệt hại của vụ ‘tắc đường đắt đỏ nhất lịch sử’ là bao nhiêu?

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.