Mỹ đình chỉ thương mại với Myanmar cho tới khi chính phủ dân cử được khôi phục

Minh Đăng - 30/03/2021 10:10 (GMT+7)

(VNF) - Phòng Thương mại Mỹ (USTR) mới đây thông báo Mỹ sẽ đình chỉ tất cả hoạt động thương mại với Myanmar từ ngày 29/3 cho tới khi Myanmar khôi phục một chính phủ được bầu một cách dân chủ.

VNF
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai.

Trong thông báo phát ra ngày 29/3, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tuyên bố nước này đã đình chỉ ngay lập tức toàn bộ giao dịch thương mại với Myanmar trong khuôn khổ Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư (Trade and Investment Framework Agreement - TIFA) năm 2013 và chỉ nối lại cho tới khi Myanmar khôi phục một chính phủ được bầu một cách dân chủ.

TIFA được ký hồi tháng 5/2013 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và chính quyền cựu Tổng thống Myanmar Thein Sein. Thỏa thuận nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác song phương về đầu tư - thương mại giữa 2 nước.

Cụ thể, hai nước sẽ hợp tác để đưa ra các sáng kiến nhằm hỗ trợ chương trình cải cách và thúc đẩy phát triển một cách toàn diện vì lợi ích của người dân Myanmar, đặc biệt là tầng lớp người nghèo.

Cũng trong tuyên bố, bà Katherine Tai cho rằng lực lượng an ninh Myanmar phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người biểu tình, sinh viên, người lao động.

“Mỹ ủng hộ nỗ lực của người dân Myanmar nhằm khôi phục chính quyền dân sự đã tạo dựng đà phát triển kinh tế và cải cách cho Myanmar. Mỹ mạnh mẽ lên án các hành động bạo lực chống lại dân thường. Những hành động này là cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ của đất nước và nỗ lực của người dân Myanmar trong việc tiến tới một tương lai hòa bình và thịnh vượng", bà Katherine nêu rõ.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/3 thông báo đưa 2 tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát là Myanmar Economic Holdings Public Company (MEHL) và Myanmar Economic Corporation Ltd (MEC) vào danh sách đen thương mại. Theo đó, Washington sẽ đóng băng bất kỳ tài sản nào của hai thực thể này tại Mỹ.

Các cuộc biểu tình lớn đã liên tiếp diễn ra trên khắp Myanmar sau khi quân đội lên nắm chính quyền ngày 1/2. Hơn 70% công chức, bao gồm cả các nhân viên y tế, đã tham gia vào chiến dịch dân sự không tuân phục chính quyền.

Quân đội và cảnh sát Myanmar sử dụng vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và cả súng quân dụng để giải tán người biểu tình.

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Myanmar (AAPP), it nhất 510 dân thường đã chết trong biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar gần hai tháng qua.

Xem thêm >> Tân Cương: 'H&M sẽ không thể kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc'

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác