Trung Quốc thách uống nước thải Fukushima, Phó thủ tướng Nhật đáp ‘chuyện bình thường’

Thanh Tú - 16/04/2021 20:56 (GMT+7)

(VNF) - Trong tuyên bố ngày 16/4, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso tái khẳng định nước thải từ nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima đã qua xử lý là an toàn và có thể uống được.

VNF
Các bể chứa nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 16/4, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nhắc lại tuyên bố trước đó của mình rằng nước đã qua xử lý phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima là có thể uống được sau khi Trung Quốc đề nghị quan chức Nhật Bản đích thân chứng minh điều này.

"Vấn đề chính ở đây là nước thải ra biển sẽ được pha loãng gấp 7 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tức là quý vị có thể uống. Chuyện bình thường", kênh truyền hình NHK dẫn lời ông Aso.

Vị quan chức đảm bảo nước thải được xả ra biển sẽ được xử lý theo đúng kế hoạch mà Chính phủ đã công bố, theo đó nồng độ chất phóng xạ tritium trong nước xả thải sẽ được pha loãng xuống còn 1.500 becquerel/lít, tương đương 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và 1/7 tiêu chuẩn của WHO đối với nước uống, trước khi được xả ra biển.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị thiệt hại nghiêm trọng sau trận động đất - sóng thần năm 2011. Trận sóng thần phá hủy nhiều hệ thống làm lạnh cho các thanh nhiên liệu hạt nhân tại các lò phản ứng. Do đó, Nhật Bản trong những năm qua đã sử dụng hàng triệu tấn nước để làm lạnh các thanh nhiên liệu hạt nhân.

Khoảng 1,25 triệu tấn nước đã tích tụ tại khu vực của nhà máy hạt nhân Fukushima. Số lượng nước phóng xạ đang tăng khoảng 140 tấn mỗi ngày, hiện đang được lưu trữ trong hơn 1.000 bồn chứa và dự kiến vào khoảng mùa thu tới sẽ không còn chỗ chứa.

Ngày 13/4, tức hơn 10 năm sau sự cố tại nhà máy, chính phủ Nhật Bản đã quyết định xả nước thải này ra biển.

Theo lộ trình, việc xả nước sẽ bắt đầu sau khoảng hai năm, và toàn bộ quá trình dự kiến ​​sẽ kéo dài trong vòng 3 thập niên.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng quyết định việc xả nước ô nhiễm vào Thái Bình Dương là lựa chọn "thực tế nhất" và "không thể tránh khỏi để đạt được sự phục hồi của Fukushima".

Trong tuyên bố mới đây, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định ủng hộ quyết định này, vì các nguyên tố phóng xạ, ngoại trừ triti, sẽ bị loại bỏ khỏi nước hoặc giảm xuống mức an toàn trước khi thải ra ngoài. IAEA cũng đã chỉ ra rằng, các nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới sử dụng quy trình tương tự để xử lý nước thải.

Theo tính toán của LHQ, ngay cả khi Nhật Bản đổ toàn bộ số nước thải đã qua xử lý tại Fukushima xuống biển trong 1 năm, tác động của bức xạ đối với môi trường sẽ chỉ ở mức 2,1 millisievert/năm tại Nhật Bản. Con số này là nhỏ hơn so với mức trung bình toàn cầu là 2,4 millisievert/năm.

Tuy nhiên, việc xả nước của Nhật Bản vấp phải sự phản đối từ các cộng đồng đánh bắt cá ở nước này cũng như lo ngại từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga.

"Đại dương không phải là thùng rác của Nhật Bản, Thái Bình Dương không phải rãnh nước thải của Nhật Bản. Thế giới không phải trả giá cho việc Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ. Về việc một số quan chức Nhật Bản nói rằng "sẽ không có gì xảy ra ngay cả khi uống thứ này", thì xin mời họ uống trước, rồi chúng ta sẽ nói chuyện tiếp", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14/4.

Xem thêm >> Vừa giáng loạt đòn trừng phạt, ông Biden kêu gọi Nga ‘giảm căng thẳng’

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác