Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Trung Quốc bùng nổ xuất khẩu
Từ thép, ô tô đến đồ điện tử tiêu dùng và tấm pin mặt trời, các nhà máy Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tính bằng USD tăng 7% trong giai đoạn từ tháng 1-2/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng giá nhiều sản phẩm hiện đang giảm do dư thừa sản lượng ở Trung Quốc, điều này có nghĩa số lượng xuất khẩu thực tế và thị phần toàn cầu của các sản phẩm này đang tăng nhanh đáng kể.
Theo quan chức Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) Lyu Daliang, trong 2 tháng đầu năm, thương mại hàng hóa của nước này tiếp tục đà tăng của quý IV năm ngoái, ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ tháng thứ 5 liên tiếp. Đặc biệt, số liệu giai đoạn mới đã đạt đến mức cao lịch sử.
Sự bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc có thể thấy rõ qua thặng dư thương mại đối với hàng hóa sản xuất, ghi nhận mức cao nhất kể từ Thế chiến II. Theo các chuyên gia, những khoản thặng dư đó tương ứng với thâm hụt ở các quốc gia khác, thậm chí có thể là lực cản cho sự tăng trưởng của họ.
Thặng dư ngày càng mở rộng không chỉ là do xuất khẩu tăng. Trung Quốc đã giảm hoặc ngừng mua nhiều hàng hóa sản xuất từ phương Tây như một phần của chiến lược phát triển kinh tế và an ninh quốc gia trong hai thập kỷ qua.
Theo tính toán của Brad Setser và Michael Weilandt, các nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, thặng dư thương mại hiện nay của Trung Quốc bằng mức thặng dư lớn nhất mà Nhật Bản đạt được trong những năm 1980 hoặc Đức tại thời điểm ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 12 năm ngoái, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cảnh báo rằng Trung Quốc đang bù đắp cho cuộc khủng hoảng bất động sản bằng cách xây dựng nhiều nhà máy hơn mức cần thiết.
Còn theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc, Trung Quốc hiện sản xuất 1/3 tổng lượng hàng hoá trên thế giới, nhiều hơn cả Mỹ, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.
Nước lớn hành động
Hồi đầu tháng 3, Liên minh châu Âu (EU) thông báo rằng họ đang chuẩn bị thu thuế nhập khẩu đối với tất cả ô tô điện đến từ Trung Quốc. EU cho biết họ đã tìm thấy “bằng chứng đáng kể” cho thấy các cơ quan chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp bất hợp pháp cho những mặt hàng xuất khẩu này, điều mà Trung Quốc tới nay vẫn luôn phủ nhận. Mức thuế sẽ không được ấn định cho đến mùa hè nhưng sẽ áp dụng cho bất kỳ ô tô điện nào được khối nhập khẩu từ ngày 7/3 trở đi.
EU cũng đang cân nhắc các hạn chế nhập khẩu đối với tuabin gió và tấm pin mặt trời từ Trung Quốc. Tháng 9 năm ngoái, Ấn Độ cũng tuyên bố rằng sẽ áp dụng mức thuế cao hơn đối với thép từ Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ thì phàn nàn rằng Trung Quốc đang xuất khẩu một cách không cân đối trong khi mua rất ít.
Ngoài thuế quan sắp áp dụng đối với các sản phẩm năng lượng sạch nhập khẩu, châu Âu sẽ sớm áp dụng thuế đối với hàng nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới dựa trên lượng carbon dioxide thải ra trong quá trình sản xuất làm biến đổi khí hậu.
Thuế mới được gọi là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, hay CBAM. Nó được mệnh danh là “quả bom C” ở châu Âu vì nó sẽ giáng mạnh vào hàng nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp từ Trung Quốc.
Số liệu của Statista vào tháng 4/2023 cho thấy khoảng 63% điện năng Trung Quốc đến từ nhiệt điện đốt than gây ô nhiễm, điều đó có nghĩa là nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước này sang châu Âu có thể bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới.
Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên mức thuế của cựu Tổng thống Donald Trump và áp đặt thêm một danh sách hạn chế đối với hàng xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ.
Bà Katherine Tai, đại diện thương mại Mỹ, đã cảnh báo tại một sự kiện của Viện Brookings rằng Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada, thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, sẽ được xem xét vào mùa hè năm 2026.
Bà ám chỉ rằng Mỹ có thể sẽ thắt chặt các quy định về nguồn gốc linh kiện, đặc biệt là ô tô. Theo bà Tai, Trung Quốc là một nhân tố thực sự quan trọng “gây căng thẳng và lo ngại” trong quan hệ thương mại Bắc Mỹ.
Châu Âu và Mỹ cũng phải đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc trước các mối quan hệ kinh tế lâu đời của họ với các nước đang phát triển, vốn ngày càng có xu thế lựa chọn hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Trên khắp châu Mỹ-Latin và châu Phi, các quốc gia hiện mua hàng từ Trung Quốc nhiều hơn các nước lân cận.
Mục tiêu tham vọng
Trong báo cáo công tác chính phủ Trung Quốc tại đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc mới đây, Thủ tướng Lý Cường cho hay mục đầu tiên trong nhiệm vụ công tác của chính phủ năm 2024 là đẩy mạnh xây dựng hệ thống sản xuất công nghiệp hiện đại hóa, đẩy nhanh phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới”.
Thuật ngữ “lực lượng sản xuất mới” được giới chức Trung Quốc thường xuyên sử dụng trong thời gian gần đây như là giải pháp để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững, ám chỉ đến các ngành công nghiệp mới hình thành dựa trên những đổi mới và đột phá về khoa học và công nghệ.
Nền kinh tế Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng bất động sản, sự giảm sút niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư cũng như thu nhập từ xuất khẩu giảm trong năm ngoái nhưng chính phủ đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 5% trong năm nay.
Các quan chức nước ngoài và các nhà kinh tế thường trích dẫn ba khía cạnh trong chính sách công nghiệp của Trung Quốc giúp hỗ trợ xuất khẩu. Cụ thể, ngân hàng nhà nước cho vay xây dựng nhà máy với lãi suất thấp, các thành phố chuyển nhượng đất công để xây dựng nhà máy với chi phí thấp hoặc miễn phí và lưới điện nhà nước giữ giá thấp.
Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, khoản cho vay mới dành cho ngành công nghiệp đã tăng từ mức 83 tỷ USD vào năm 2019 lên 670 tỷ USD vào năm ngoái. Ngược lại, cho vay ròng đối với bất động sản là 800 tỷ USD vào năm 2019 đã giảm còn 75 tỷ USD vào năm ngoái.
Ông Zheng Shanjie, nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, đã tái khẳng định chính sách công nghiệp của Trung Quốc vào tuần trước, nói rằng “đất đai và năng lượng sẽ được chuyển cho các dự án tốt”.
Theo các chuyên gia của Bloomberg, Trung Quốc đã thành công ở một số phương diện nhất định trong mục tiêu đẩy nhanh phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới”, như ô tô điện, pin mặt trời, mạng truyền thông lượng và đang đuổi sát đối thủ trong ngành chip.
Tuy nhiên, họ cho rằng “lực lượng sản xuất chất lượng mới” khó có thể nhanh chóng thay thế “lực lượng sản xuất cũ”, đặc biệt những ngành từng là động lực tăng trưởng chính như bất động sản, dịch vụ… trong khi tốc độ tăng trưởng các ngành công nghệ mới chưa đủ “cất cánh”.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.