Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính: 'Làm đặc khu kinh tế, những việc đã rõ cần làm ngay'

Yến Thanh - 23/04/2018 18:30 (GMT+7)

(VNF) - Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nói trong việc xây dựng các đặc khu kinh tế, "những việc đã rõ thì cần thực hiện ngay, những việc mới mà chưa được quy định hoặc những việc đã quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn thực nghiệm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện và mở rộng dần".

VNF
Ông Phạm Minh Chính. Ảnh: TL

Hội nghị trực tuyến về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt vừa được Ban Tổ chức Trung ương tổ chức chiều 23/4, tại Hà Nội với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đại diện Bộ KH&ĐT – cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho biết: Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được thiết kế các chính sách đặc biệt phát triển kinh tế-xã hội có 41/84 điều, có nhiều chính sách phi tài chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, chỉ có 1 quy hoạch ở đặc khu và có tiếp cận quy hoạch của quốc tế, các chính sách huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực tư nhân để xây dựng kết cấu hạ tầng, các chính sách ưu đãi về thuế…

Về các quy định về hệ thống chính trị, đặc khu tổ chức tinh gọn và hiệu quả, HĐND đặc khu chỉ khoảng 15 người, không có Thường trực HĐND đặc khu, không tổ chức HĐND cấp xã, phường, giao mạnh thẩm quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Dự kiến, chính quyền đặc khu được xác định là một cấp chính quyền địa phương, gồm có HĐND và UBND đặc khu. Trong đó, HĐND đặc khu có từ 9-15 đại biểu, đa số đại biểu hoạt động chuyên trách, không tổ chức Thường trực HĐND và các ban của HĐND.

UBND đặc khu chỉ bao gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và trình Thủ tướng phê chuẩn sau khi được HĐND đặc khu bầu.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền đặc khu, HĐND đặc khu chỉ quyết định một số vấn đề nhân sự chủ chốt, thông qua quy hoạch đặc khu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách đặc khu, thực hiện giám sát và một số vấn đề liên quan trực tiếp đến cộng đồng dân cư.

Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội tại đặc khu, Chủ tịch UBND đặc khu được phân quyền mạnh, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế với nhiều thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước cấp trên nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt, đồng thời phát huy quyền tự chủ, trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND đặc khu.

Đặc biệt, chính sách tiền lương đối với người làm việc trong các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp ở đặc khu sẽ được thực hiện linh hoạt, gắn với mức độ phát triển kinh tế và tuân thủ theo nguyên tắc thị trường với 5 nguyên tắc trả tiền lương như sau: Trả theo vị trí việc làm gắn với chức vụ, chức danh; tiền lương tăng thêm được điều chỉnh theo mức độ phát triển kinh tế và khả năng cân đối ngân sách của đặc khu; tiền lương bảo đảm tính cạnh tranh, phù hợp với thị trường và khu vực doanh nghiệp; các khoản phụ cấp ngoài lương được xác định theo tính chất, đặc điểm công việc; tiền thưởng được hưởng trên kết quả và mức độ hoàn thành công việc; cho phép thực hiện hợp đồng lao động đối với nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao để thu hút về đặc khu; cán bộ công chức ở đặc khu cam kết làm việc trong thời hạn 10 năm trở lên được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của đặc khu.

Về tổ chức các cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu, dự thảo Luật xác định mô hình TAND đặc khu có cơ cấu tương đương cấp huyện, nhưng được bổ sung thẩm quyền giải quyết phần lớn vụ án, vụ việc đặc thù về dân sự, hành chính hiện đang thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của TAND cấp tỉnh.

Các cơ quan quân đội, công an, tài chính, ngân hàng ở đặc khu được thực hiện theo dự thảo Luật và do Bộ trưởng, Thống đốc quy định.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nêu rõ: Quan điểm, nguyên tắc xây dựng hệ thống chính trị tại các đặc khu là bảo đảm và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và quyền làm chủ của nhân dân, bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ của Đảng, nghị quyết, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Xây dựng hệ thống chính trị gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền XHCN.

Bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, giữa kinh tế thị trường, định hướng XHCN, giữa độc lập, chủ quyền và hội nhập quốc tế sâu rộng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội.

"Những việc đã rõ thì cần thực hiện ngay, những việc mới mà chưa được quy định hoặc những việc đã quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn thực nghiệm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện và mở rộng dần. Những việc còn ý kiến khác thì tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, bàn bạc để thống nhất chủ trương, giải pháp phù hợp và tổ chức thực hiện", ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Trong đó, xây dựng Trung tâm Hành chính công với cơ chế "tiếp nhận tại chỗ, thẩm định tại chỗ, phê duyệt tại chỗ" thì mới có thể thúc đẩy cải cách hành chính để đặc khu phát triển xứng tầm.

"Nguyên tắc là không để trống quyền lực, cần nghiên cứu và đề xuất để thực hiện theo hướng chính quyền cũ phải tổ chức bầu được chính quyền mới theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, các quy định của Đảng và Nhà nước hiện hành. Đồng thời, tổ chức tốt đội ngũ cán bộ để khi Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt ban hành là triển khai thực hiện được ngay", ông Phạm Minh Chính nói.

Theo VGP
Cùng chuyên mục
Tin khác