Diễn đàn VNF

TS Nguyễn Đình Cung: 'Giảm giờ làm chỉ bảo vệ cho những người lao động lười biếng'

(VNF) – TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã bình luận như vậy về cuộc tranh luận xung quanh quy định giờ làm thêm trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.

TS Nguyễn Đình Cung: 'Giảm giờ làm chỉ bảo vệ cho những người lao động lười biếng'

TS Nguyễn Đình Cung

Ông Cung đưa ra lời bình luận nêu trên ngay sau phần phát biểu của ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT, tại hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam 2016 – 2019 qua xếp hạng Doing Business: kết quả và một số gợi ý cải cách”.

Xem thêm >>> Ông Đỗ Cao Bảo: ‘Tại sao Luật Lao động lại cấm người ta chăm chỉ, luật ngớ ngẩn’

Đồng ý với quan điểm của ông Đỗ Cao Bảo, ông Cung cho rằng nhà nước phải khuyến khích người dân lao động chăm chỉ, năng động, sáng tạo. Chỉ có như vậy, người lao động mới nâng cao được thu nhập, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và quốc gia mới trở nên thịnh vượng.

“Tôi cho rằng chúng ta đã tiếp cận sai từ đầu. Người xây dựng (dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi – PV) đã có cách tiếp cận không phù hợp với thực tế hiện nay cũng như xu hướng chung.

“Nếu giảm giờ làm thì chúng ta chỉ bảo vệ được những người lao động lười biếng, khuyến khích sự lười biếng nhiều hơn chứ không phải gia tăng phúc lợi hay thu nhập của người lao động”, ông Cung nói.

Ông Cung hi vọng một dự luật được thông qua với những thay đổi mạnh mẽ hơn, khích lệ tinh thần lao động.

“Người nghèo đương nhiên làm việc nhiều. Người giàu làm cái khác nhưng chắc chắn là phải chăm chỉ hơn, nỗ lực hơn thì mới giàu có được một cách chính đáng”, ông Cung nói thêm.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau về quy định giờ làm bình thường và giờ làm thêm.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc rút ngắn hơn nữa thời gian lao động bình thường (hiện đang là 48 giờ/tuần) sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ông Lộc nhấn mạnh việc giảm giờ làm trong điều kiện hiện nay không mang lại lợi ích cho người lao động mà chỉ làm chi phí của doanh nghiệp tăng lên, giảm cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp buộc thu hẹp sản xuất thì ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng kiến nghị mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm đối với một số ngành nghề đặc biệt và nhấn mạnh “Làm thêm giờ là nhu cầu tự nguyện của người lao động”.

Ngược lại với ông Lộc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (cựu Chủ tịch HĐND TP. HCM, đại biểu Quốc hội đoàn TP. HCM) lại cho rằng người lao động không tự nguyện làm thêm. Bà Tâm cũng cho rằng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế không nên và không chỉ dựa vào sức lao động của con người.

Xem thêm >>> ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm ‘đấu’ Chủ tịch VCCI về quy định giờ làm thêm

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP. HCM, cũng cho hay thế giới từ sau năm 2000 đã tiếp tục giảm giờ làm. Trong 36-38 nước của Tổ chức Kinh tế thế giới chỉ còn hai nước trên 40 giờ là Mexico (48 giờ/tuần) và Hàn Quốc (43 giờ/tuần), còn những nước khác đều đã xuống dưới 40 giờ, như: Chile 37 giờ, Pháp 28,5 giờ một tuần, đặc biệt Đức có 26,2 giờ.

“Chúng tôi cho rằng nên có lộ trình để chuyển lao động 48 giờ xuống 40 giờ trong vòng khoảng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44 giờ và sau đó đến năm 2030 chỉ còn làm 5 ngày một tuần với mọi người lao động. Như vậy, so với thế giới, ta chậm 80 năm”, ông Nhân nói.

Ông Nhân cũng khẳng định rằng: “Nếu chúng ta làm việc một ngày 9 -10 tiếng trong cả năm thì sẽ không có gia đình hạnh phúc”.

Xem thêm >>> Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: ‘So với thế giới, Việt Nam chậm 80 năm về giảm giờ làm’

Tin mới lên