TS Nguyễn Xuân Thủy: 'Nên kết hợp 2 phương án làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT và Bộ KH-ĐT'

Trần Lưu - 10/07/2019 11:07 (GMT+7)

(VNF) - TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng đề xuất xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) với chi phí khoảng 26 tỷ USD để đạt tốc độ 200km/h là lạc hậu, không nắm bắt được công nghệ thế giới và không cạnh tranh được với hàng không.

VNF
TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng nên chia đường sắt cao tốc Bắc - Nam thành 2 giai đoạn

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo gửi Thủ tướng về phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Bộ này đưa các phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan rằng với chiều dài hàng nghìn km, tốc độ chạy tàu trên trục Bắc - Nam khoảng 200 km/h là hiệu quả, tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỷ USD, giảm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra phương án là 58 tỷ USD với tốc độ đạt 350km/h.

Nên chia đường sắt cao tốc Bắc - Nam thành 2 giai đoạn

Trao đổi với VietnamFinance xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, quan điểm của 2 Bộ này nếu phối hợp lại với nhau làm một thì rất tốt. Nếu theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tàu có tốc độ 200km/h nó khác với tàu 350km/h. Nghĩa là, 200km/h sẽ khác từ độ bền vững, đầu máy, toa xe đến thiết bị điều khiển điều hành cũng sẽ khác, tức là công nghệ thấp hơn thì giá thấp hơn.

Theo đó, TS Nguyễn Xuân Thủy đề xuất nên chia việc làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam thành 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là từ nay đến khoảng 15-20 năm sau nên sử dụng tàu chạy tốc độ 200km/h theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau thời gian này mới nâng cấp lên tàu chạy 350km/h theo phương án của Bộ Giao thông vận tải.

"Tức là từ nay đến năm 2030, thậm chí năm 2035 chúng ta có thể làm tuyến trung gian với khoản chi 26 tỷ USD cho loại tàu sử dụng đầu máy diezel chạy với tốc độ 250km/h. Sau khi có tuyến trung gian rồi thì sẽ rót thêm khoảng 25-30 tỷ USD nữa để nâng cấp đường cao tốc như Nhật Bản và sử dụng loại tàu có vận tốc 350km/h", TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

TS Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng nếu áp dụng theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì có thể tiết kiệm được chi phí nhưng sau đó sẽ trở nên lạc hậu, không nắm bắt được công nghệ thế giới và không cạnh tranh được với hàng không. Tuy nhiên, với đề xuất làm ngay đường sắt cao tốc liền một mạch với tốc độ 350km/h thì Bộ Giao thông vận tải cũng nên tính toán lại bởi nền kinh tế quốc gia chưa chịu được.

"Đường sắt cao tốc nếu tốc độ 200km/h thì tôi cho rằng hành khách vẫn là những người có thu nhập thấp, còn với những người có thu nhập cao họ sẽ vẫn lựa chọn đi máy bay hơn. Tuy nhiên, nếu tăng tốc độ lên 350km/h như ở Nhật Bản thì đường sắt hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng không. Lúc này, một lượng hành khách rất lớn sẽ đi đường sắt và làm giảm quá tải cho hàng không như hiện nay", ông Thủy nhận định.

Cũng theo lời của TS Nguyễn Xuân Thủy, đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có điểm tích cực là có thể giảm bớt chi phí. Tuy nhiên việc làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam không thể có chuyện chỉ hết 26 tỷ USD vì tuyến đường bộ Bắc - Nam đang triển khai đã hơn 10 tỷ USD rồi mà đường sắt 26 tỷ USD là không làm được.

Lấy đường bộ là cốt lõi của giao thông là sai lầm

Nhận định về chiến lược phát triển giao thông của Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng hiện nay đang có sự bất cập bởi chúng ta đang lấy đường bộ là phương tiện chính, là cốt lõi của giao thông... Đây hoàn toàn là sai lầm.

Đường sắt nên được chọn là mạch máu chính của giao thông

"Diện tích đất nước chúng ta không rộng như Nga, Trung Quốc, Mỹ... nhưng những nước có diện tích nhỏ hơn như Đức, Cộng hòa Séc, Thụy Sỹ, Hàn Quốc... người ta vẫn lấy đường sắt là phương tiện chủ yếu, là cốt lõi, là mạch máu chính của giao thông", ông Thủy lấy ví dụ.

Phân tích về việc phải sử dụng đường sắt là cốt lõi của giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng đường sắt có chi phí vận tải thấp nhất, chỉ kém so với đường thủy và rẻ hơn gấp 3 lần so với đường bộ. Bên cạnh đó, đường sắt cũng giúp bảo đảm an toàn giao thông tốt hơn, thậm chí đảm bảo an toàn hơn gấp 7-8 lần so với đường bộ.

Ngoài ra, năng suất của đường sắt cũng cao hơn gấp 5-10 lần so với đường bộ. Một đoàn tàu có thể chở hàng nghìn tấn, dài hàng km. Đặc biệt, đường sắt giúp tiết kiệm về đất đai. Xây một tuyến đường sắt có thể tiết kiệm gấp 4 lần so với xây một trục giao thông đường bộ.

Từ những ưu điểm này, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng Việt Nam nên lấy đường sắt là cốt lõi chứ không thể lấy đường bộ như hiện nay. Do đó, việc phát triển đường sắt trong tương lai là hết sức cần thiết, đặc biệt là tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang nhận được quan tâm của dư luận như hiện nay.

Xem thêm >>> Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Bộ KH-ĐT tính chỉ hết 26 tỷ USD, rẻ hơn 32 tỷ USD so với Bộ GTVT

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.