Từ nghi án Tenma Việt Nam hối lộ quan chức: 'Cần xem xét lại các điều kiện đầu tư đã thực sự tốt hay chưa'

Lê Ngà - 26/05/2020 17:51 (GMT+7)

(VNF) - “Cơ hội đến với chúng ta là rất lớn. Chúng ta có lợi thế chính trị ổn định, kinh tế yên ổn và có uy tín trên trường quốc tế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đánh giá bên ngoài, do đó chúng ta cần phải xem xét lại các điều kiện đầu tư của mình đã thực sự tốt hay chưa”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.

VNF
Từ nghi án Tenma Việt Nam hối lộ quan chức: 'Cần xem xét lại các điều kiện đầu tư đã thực sự tốt hay chưa'

Liên quan tới vụ việc Công ty Tenma Việt Nam hối lộ số tiền hơn 5 tỷ đồng cho một số cán bộ tại Việt Nam để được miễn giảm gần 420 tỷ đồng, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho hay, câu chuyện các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài có hành động hối lộ các quan chức Việt Nam không phải là lần đầu.

“Từ năm 2008, 2014 chúng ta cũng đã có một số vụ các doanh nhân nước ngoài bị phía cơ quan quản lý của họ lần ra việc hối lộ đối với các quan chức tại Việt Nam. Chúng ta cũng đã có yêu cầu phía nước ngoài phối hợp để điều tra để xử lý đối với một số bộ phận, công chức, viên chức không thực thi đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình mà còn nhận hối lộ để làm lợi cho phía đối tác nước ngoài trong việc làm ăn trên lãnh thổ Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Thịnh cho biết.

“Trong câu chuyện của Công ty Tenma Việt Nam lần này, chúng ta cũng cần phải có văn bản đề nghị chính thức gửi tới đối tác để có các tài liệu để điều tra và mở rộng điều tra xem vụ việc này đến mức độ nào, cần xử lý ra sao, từ đó có thể gạt bỏ những thành phần “sâu bọ” trong bộ máy công quyền giúp cho việc quản lý nhà nước tốt hơn, tránh thất thoát thuế cũng như các nguồn thu của ngân sách nhà nước”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng: “Vụ việc lần này là không thể chấp nhận được, chúng ta cần phải xử lý hình sự một cách nghiêm khắc để mang tính răn đe, làm trong sạch bộ máy quản lý, đồng thời loại bỏ “sâu bọ” ra khỏi hệ thống quản lý công quyền, giúp cho hệ thống quản lý của chúng ta tốt hơn, trôi chảy hơn. Tất nhiên, ở đâu vẫn cũng có chuyện hối lộ, tham ô nhưng chúng ta càng chống được nhiều, càng có nhiều biện pháp, hình thức răn đe cao hơn sẽ góp phần làm giảm sự việc tương tự xảy ra”.

“Việc nhận hối lộ, tham ô hay các chi phí dưới gầm bàn cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, đến môi trường đầu tư tại Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư quốc tế. Do đó, việc thường xuyên kiểm tra giám sát một cách thường xuyên các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp là rất quan trọng”.

“Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có các quy định đối với người kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là cần có mức xử lý thật nghiêm khắc đối với cấp trên thế nào nếu để xảy ra sai phạm, để từ đó có một sự giàng buộc và cơ sở để giám sát một cách tốt nhất thì lúc đó mới giảm thiểu được tình trạng tham ô, hối lộ”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có văn bản chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin về vụ việc hối lộ liên quan tới Công ty Tenma Việt Nam

Nhìn nhận về vụ việc lần này, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đánh giá vụ việc lần này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh trong nước.

“Hiện tại vụ việc mới chỉ do phía Nhật Bản phát hiện, trong khi các cơ quan tại Việt Nam thì đang trong quá trình điều tra, xác minh làm rõ, tuy nhiên, vụ việc lần này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh trong nước”, ông Long nói.

Theo ông Long, vụ việc Công ty Tenma Việt Nam bị tố hối lộ một số quan chức đã phản ánh về một môi trường kinh doanh không “sạch sẽ”, chưa thực sự tốt và vẫn còn gây nhiều phiền hà, rào cản cho các doanh nghiệp.

“Từ sau đại dịch Covid-19, vị thế của Việt Nam đã được nâng tầm, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý và có cơ hội rất lớn để phát triển, tuy nhiên, vụ việc công ty Tenma hối lộ đang gây xôn xao trong dư luận ắt hẳn sẽ tác động không nhỏ đến quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài khi đang có ý định chuyển hướng tới Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta cần phải nghiêm túc xem xét, điều tra xem sai phạm nguồn gốc từ đâu, cấp nào, ai là người chịu trách nhiệm”, chuyên gia Ngô Trí Long cho hay.

“Cơ hội đến với chúng ta là rất lớn. Chúng ta có lợi thế chính trị ổn định, kinh tế yên ổn và có uy tín trên trường quốc tế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đánh giá bên ngoài, do đó chúng ta cần phải xem xét lại các điều kiện đầu tư của mình đã thực sự tốt hay chưa”, ông Long nói.

Cụ thể, theo ông Long, đầu tiên là cần đánh giá lại về môi trường kinh doanh, thứ hai là hạ tầng cơ sở, thứ ba là thông tin minh bạch và thứ tư là những rào cản. Trong đó, những “rào cản” được xem là yếu tố then chốt mang tính quyết định cao nhất.  

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, việc Mỹ rời 27 nhà máy từ Trung Quốc chuyển sang Indonesia nhưng không lựa chọn Việt Nam được xem là một ví dụ điển hình để chúng ta phải nghiêm túc xem xét lại.

“Vụ việc xảy ra tại Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh là một minh chứng rõ nét nhất lý giải lý do tại sao Mỹ không vào Việt Nam mà lại chọn Indonesia làm điểm dừng chân”, ông Long nói.

Xem thêm: Tổng Cục thuế thông tin về nghi vấn hối lộ của công ty Tenma Việt Nam

Cùng chuyên mục
Tin khác