Ủy ban Kinh tế: Thu ngân sách chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất, dầu thô, xổ số
Lê Nguyễn -
20/10/2022 11:33 (GMT+7)
(VNF) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá chất lượng thu ngân sách nhà nước còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất, dầu thô, xổ số kiến thiết, trong khi thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng chậm; thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 3 năm không đạt dự toán.
Sáng nay (20/10), tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (gọi tắt là báo cáo thẩm tra).
Báo cáo thẩm tra đã đề cập tới 18 vấn đề lớn, trong đó, đáng chú ý là về thu - chi ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước không sát thực tế, còn quá thận trọng, có thể đã làm giảm không gian của chính sách tài khóa, minh chứng là thu ngân sách 9 tháng đã đạt 94%, ước cả năm vượt dự toán hơn 14%.
Vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW) theo quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước chưa được bảo đảm. Tỷ trọng thu NSTW đang có xu hướng giảm dần trong tổng thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của NSTW, đặc biệt trong việc cân đối nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước và các vùng theo chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.
Chất lượng thu ngân sách nhà nước còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất, dầu thô (đạt 213% dự toán do giá bình quân tăng 47,05 USD/thùng so với dự toán), xổ số kiến thiết, trong khi thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng chậm. Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 3 năm không đạt dự toán, số thu thực tế rất thấp so với dự toán năm 2022, chỉ đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, giảm 37,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích, báo cáo làm rõ việc thu ngân sách nhà nước tăng cao trong bối cảnh số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể tăng cao và nhà nước đang thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế lưu ý có ý kiến cho rằng thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu giảm trong những tháng sắp tới, không giống xu thế thông thường cũng là vấn đề cần quan tâm làm rõ.
Về chi ngân sách nhà nước, Ủy ban Kinh tế đánh giá tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết hiệu quả. Ứớc giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng, mới chỉ đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn với cùng kỳ năm 2021 (47,38%); riêng vốn ODA mới chỉ giải ngân được khoảng 15%.
Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt; tuy nhiên, có tới 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cụ thể: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (1,91%); Ủy ban Dân tộc (2,41%); Hội Nhà báo Việt Nam (2,45%); Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (9,25%); Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (10,94%); Bộ Y tế (12,07%); Bộ Ngoại giao (13,4%); Bộ Tư pháp (14,04%); Hội Luật gia Việt Nam (14,36%); Thanh tra Chính phủ (15,08%)…
Điểm nghẽn đầu tư công tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ 3 nhóm nguyên nhân chính và một số nguyên nhân khác như vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khan hiếm nguồn cung đất đắp nền đường, các địa phương lúng túng trong việc triển khai áp dụng các cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng… Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn nữa để nhanh chóng giải quyết tình trạng này, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, theo Ủy ban Kinh tế, mặc dù kinh tế trong nước phục hồi, các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng, tuy nhiên, thu hút FDI 9 tháng năm 2022 giảm 15,3% so với cùng kỳ, nhất là vốn đăng ký cấp mới chỉ bằng 57%, chưa tận dụng hiệu quả các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư.
Cùng với giải ngân đầu tư công đạt thấp, Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và các năng lực sản xuất mới cho năm 2023 và các năm tiếp theo cả về thể chế, chính sách và nhất là khâu tổ chức thực hiện. Việc sụt giảm vốn FDI đăng ký có thể ảnh hưởng đến số vốn FDI giải ngân trong tương lai và do đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tình hình, nhận định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục; ngoài ra, đề nghị bổ sung đánh giá khả năng áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu theo Chương trình cải cách thuế toàn cầu nhằm hướng tới việc chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) và tác động đến thu hút đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới để có các giải pháp phù hợp.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.