Tiêu điểm

Vàng sốt giá, Tổng Cục Thuế 'lệnh' rà soát toàn bộ cơ sở kinh doanh vàng bạc

(VNF) - Trước sự tăng nóng của giá vàng trong nước, Tổng cục Thuế đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế, Chi cục Thuế thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định.

Đồng thời, các cục thuế cần lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn, thực hiện nghiên cứu, triển khai, theo dõi và quản lý các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, chế tác vàng, bạc, trang sức, mỹ nghệ.

Giá vàng trong nước liên tục biến động.

Từ đó, kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng.

Cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan như Công an, Quản lý thị trường, Ngân hàng, Hải quan… để thực hiện quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh vàng, bạc, đá quý, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để tiến hành điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh, đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các sở ban ngành để tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý.

Động thái của Tổng cục Thuế diễn ra trong bối cảnh giá vàng trong nước tăng sốc. Trong phiên giao dịch ngày 7/3, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 79,8 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 81,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Giá vàng nhẫn cũng tiếp tục lập đỉnh mới, niêm yết ở mức 66,85 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 68,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Đà tăng của giá vàng tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính.

Chỉ trong vòng 1 tuần, giá vàng miếng SJC đã tăng tới 2 triệu đồng/lượng còn giá vàng nhẫn tăng tới 2,6 triệu đồng/lượng. Mức chênh giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện đang ở mức 16,7 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng và 3,5 triệu đồng/lượng đối với vàng nhẫn.

Trong những ngày qua, giá vàng liên tục “nhảy múa”, thậm chí có ngày được điều chỉnh tới 13 lần. Chưa kể, sức mua vàng nhẫn tăng cao khiến nhiều nhà vàng rơi vào cảnh khan hàng còn người mua phải lấy số xếp hàng đợi đến lượt.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những diễn biến phức tạp của thị trường vàng trong nước thời gian qua đã tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Nguyên nhân khiến giá vàng tăng nóng được cho là do giá vàng trong nước “đồng pha” với giá vàng thế giới. Khi giá vàng thế giới tăng vọt lên 2.147,6 USD và đạt mức đỉnh kỷ lục, giá vàng trong nước theo đó cũng tăng nhanh.

Ở trong nước, nhu cầu vàng tăng cao trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, bất động sản,… vẫn chưa hồi phục. Ngoài ra, việc Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng miếng vẫn chưa được sửa đổi cũng ít nhiều có tác động lên thị trường vàng trong nước những ngày qua.

Tin mới lên