Vành đai 4 - vùng Thủ đô đội vốn gần 2.900 tỷ đồng, Chính phủ giải trình gì?

Anh Hùng - 06/10/2023 22:29 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ cho biết, theo báo cáo của các địa phương, ước tính tổng mức đầu tư của dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô sẽ tăng thêm khoảng 2.881 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo nghị quyết của Quốc hội.

VNF
Vành đai 4 - vùng Thủ đô tăng vốn gần 2.900 tỷ đồng.

Theo báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội của Chính phủ, thực tế triển khai, tổng diện tích thu hồi đất khoảng 1.397ha (tăng 56ha), trong đó, đất nông nghiệp khoảng 1.054ha (giảm 20ha), đất dân cư (đất ở) khoảng 42ha (giảm 16ha) và đất khác khoảng 301ha (tăng 92ha).

Đáng chú ý, về tổng mức đầu tư, theo các kết quả phê duyệt dự án đầu tư của các dự án thành phần, tổng mức đầu tư khoảng 84.320 tỷ đồng, thấp hơn 1.493 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, quá trình triển khai thực tế, ước tính tổng mức đầu tư của dự án sẽ tăng thêm khoảng 2.881 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư địa phận tỉnh Hưng Yên dự kiến tăng khoảng 1.500 tỷ đồng, dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư địa phận tỉnh Bắc Ninh dự kiến tăng khoảng 2.874 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.

Riêng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP, dự kiến tổng mức đầu tư sẽ giảm khoảng 1.484 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo nghị quyết của Quốc hội.

Về vấn đề tăng vốn, Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát kỹ, xác định chính xác tổng mức đầu tư của các dự án thành phần, bảo đảm tính đúng, tính đủ theo đúng khối lượng, đơn giá, định mức và chế độ chính sách của nhà nước.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, trường hợp tổng mức đầu tư của dự án vượt sơ bộ tổng mức đầu tư theo chủ trương được Quốc hội phê duyệt, các địa phương có trách nhiệm cân đối bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án thành phần đó theo đúng nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư, các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12/2023 theo yêu cầu của Chính phủ.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu để khởi công trong tháng 10/2023.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km, đi qua địa phận thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh. Sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm: nguồn vốn ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 19.383 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 là 22.477 tỷ đồng (thành phố Hà Nội là 19.477 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên là 1.000 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 2.000 tỷ đồng).

Nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng, bao gồm: nguồn vốn ngân sách trung ương là 8.790 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương là 5.716 tỷ đồng (hành phố Hà Nội là 4.047 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên là 505 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 1.164 tỷ đồng). Vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Toàn bộ dự án được chia thành 7 dự án thành phần.

Cùng chuyên mục
Tin khác