Vì sao dự án trường đua ngựa nghìn tỷ ở Lâm Đồng chậm tiến độ?

Anh Phương - 09/05/2023 12:32 (GMT+7)

Sau 12 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án trường đua ngựa nghìn tỷ ở Lâm Đồng vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục pháp lý để triển khai. Dự án bị chậm tiến độ vì nhiều nguyên nhân.

Khâu giải phóng mặt bằng kéo dài 9 năm

Như VietNamNet đã đề cập trong bài viết “Chủ dự án trường đua ngựa ngàn tỷ xin mở thêm cá cược trên đất vi phạm”, sau 12 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án trường đua ngựa hơn 1.000 tỷ đồng tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để xây dựng.

Đây là dự án Trường Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui – Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn (Trường Đua ngựa Thiên Mã - Mađagui) quy mô 70ha, do Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui (Công ty Thiên Mã) làm chủ đầu tư. 

Hiện trạng dự án Trường Đua ngựa Thiên Mã - Mađagui. (Ảnh: Anh Phương)

Công ty Thiên Mã từng hợp tác với Câu lạc bộ thể thao Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) nâng cấp cơ sở hạ tầng và quản lý hoạt động đua ngựa tại Trường đua Phú Thọ từ năm 2004. 

Năm 2007, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Hồng Lam – Mađagui (Công ty Hồng Lam) để đầu tư dự án Trung tâm nuôi – Huấn luyện ngựa đua và du lịch Đạ Huoai quy mô 335,86ha, tại huyện Đạ Huoai. Mục tiêu của dự án là nuôi và huấn luyện ngựa đua, đầu tư sân golf, khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng. 

Sau khi Trường đua Phú Thọ đóng cửa năm 2011, Công ty Thiên Mã liên doanh với Công ty Hồng Lam, tách dự án 335,86ha nói trên thành 3 dự án thành phần. 

Trong đó, Công ty Thiên Mã làm chủ đầu tư dự án Trường Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui. Còn Công ty Hồng Lam làm chủ đầu tư dự án Trung tâm nuôi – Huấn luyện ngựa đua và du lịch Đạ Huoai (152ha) và dự án Sân golf Hồng Lam – Madagui (60ha). Đây là hai dự án bổ trợ cho dự án Trường Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui. 

Chủ đầu tư tiến hành san lấp mặt bằng khu vực đường đua chính. (Ảnh: Anh Phương)

Về Trường Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vào tháng 3/2023, dự án này chưa thực hiện đúng tiến độ. Việc chậm triển khai dự án do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan của nhà đầu tư. 

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Linh Hoạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, cho biết dự án Trường đua ngựa Thiên Mã – Mađagui bị chậm tiến độ do chủ đầu tư mất nhiều thời gian giải phóng mặt bằng và có sự điều chỉnh quy hoạch. Khâu bồi thường kéo dài vì chủ đầu tư gặp vướng mắc về quan hệ dân sự trong nội bộ mỗi hộ dân. UBND huyện chỉ đóng vai trò vận động. 

“Đây là dự án lớn và không có đất sạch, chủ đầu tư phải tự thoả thuận bồi thường với hơn 200 hộ dân. Đến nay, về cơ bản, chủ đầu tư đã bồi thường giải phóng mặt bằng đạt 100% đất sạch. Đây là nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư”, ông Hoạt nói. 

Theo ông Hoạt, dự án Trường Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui đã được UBND huyện Đạ Huoai phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào tháng 3/2023. 

Đến nay, cơ bản chủ đầu tư đã bồi thường giải phóng mặt bằng đạt 100% đất sạch. (Ảnh: Anh Phương)

 

Đại diện Công ty Thiên Mã cho hay, ban đầu, dự án Trường Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui có quy mô 69,976ha. Công ty đã tự bồi thường, giải phóng mặt bằng được 59ha, gần 10ha còn lại chưa thoả thuận đền bù được với các hộ dân vì nhiều lý do. 

Dù đã tự bồi thường được 59ha từ trước năm 2011 nhưng công ty chưa thực hiện được thủ tục thuê đất vì gần 10ha còn lại chưa đền bù xong. Phần diện tích này nằm xen kẽ và thuộc phần lõi dự án nên công ty chưa thể xây dựng dự án theo quy hoạch 1/500 mà chỉ làm đường đua tạm 1.200m. 

“Sau khi hoàn tất công tác đền bù vào tháng 10/2020, công ty mới thực hiện thủ tục thuê đất. Đến tháng 5/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định điều chỉnh diện tích dự án còn 67,15ha. Tiếp đó, công ty được cho thuê diện tích đất này để tiếp tục lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định”, đại diện Công ty Thiên Mã thông tin.

Vướng thủ tục về hoạt động kinh doanh đặt cược 

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, dự án trường đua ngựa của Công ty Thiên Mã bị chậm tiến độ còn có nguyên nhân từ quy định thủ tục xin phép hoạt động đua ngựa có kinh doanh đặt cược. 

Năm 2011, UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho Công ty Thiên Mã triển khai đường đua tạm 1.200m. Sau khi xây dựng đường đua này, năm 2017 chủ đầu tư được UBND tỉnh cho phép tổ chức thí điểm đua ngựa dự thưởng và cưỡi ngựa biểu diễn.  

Trong năm 2017, Công ty Thiên Mã đã tổ chức thí điểm đặt cược đua ngựa với tổng cộng 9 kỳ đua. Do dự án chưa bổ sung mục tiêu đặt cược đua ngựa và chủ đầu tư chưa đủ điều kiện kinh doanh đặt cược, năm 2018 Bộ KH&ĐT yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt hoạt động này. 

Một số công trình tạm đã được chủ đầu tư xây dựng từ năm 2017 để phục vụ cho việc tổ chức đua ngựa thí điểm. (Ảnh: Anh Phương)

 

Sau khi Nghị định 06/2017 ban hành và Thông tư 16/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị của doanh nghiệp tổ chức hoạt động đua ngựa để kinh doanh đặt cược có hiệu lực, từ năm 2019, Công ty Thiên Mã đã làm thủ tục bổ sung mục tiêu đặt cược đua ngựa, đua chó cho dự án. 

Ngoài ra, Công ty Thiên Mã cũng điều chỉnh hình thể đường đua ngựa khép kín 2.000m theo quy định của Thông tư 16/2018 và phù hợp với tiêu chuẩn của Liên đoàn Đua ngựa Châu Á.

Để hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó, công ty phải bổ sung hàng loạt thủ tục pháp lý dự án cho phù hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Tây Nguyên và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng. 

Trong khi đó, năm 2022 khi hoàn tất việc thuê đất thì dự án lại phải điều chỉnh hình dạng đường đua ngựa theo quy định Thông tư 16/2018 khiến cho quy hoạch chi tiết 1/500 phải điều chỉnh. Trước đó, dự án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng thoả thuận quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào năm 2014. 

Cận cảnh các công trình tạm tại dự án. (Ảnh: Anh Phương)

Trước thông tin Công ty Thiên Mã xây dựng một số công trình tại dự án Trường Đua ngựa Thiên Mã – Mađagui khi chưa hoàn tất thủ tục đất đai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết sau khi được cho phép đua ngựa thí điểm năm 2017, chủ đầu tư đã xây dựng một số công trình. 

Những công trình có mái che đã xây dựng như: Chuồng nuôi ngựa, nhà tập ngựa, nhà thú y, khán đài tạm và một số công trình phục vụ đường đua tạm. Ngoài ra, có các hạng mục không có mái che như: Đường đua tạm 1.200m, mương thoát nước và một số đường đất nội bộ phục vụ san lấp mặt bằng. 

Theo ông Hoạt, hầu hết các công trình này đều là công trình tạm, xây dựng bằng vật liệu nhẹ, khung sắt tiền chế và được hoàn thành năm 2017 để phục vụ cho hoạt động đua ngựa thí điểm. Chủ đầu tư cam kết sẽ tháo dỡ những công trình này khi đường đua chính hoàn thành và đi vào hoạt động. 

 

 

Theo Vietnamnet
Cùng chuyên mục
Tin khác