'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Bộ Công an cho biết ông Trần Bắc Hà và các cựu lãnh đạo BIDV bị bắt về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Dù Bộ Công an không nói rõ các vi phạm trên là gì tuy nhiên theo tìm hiểu của VietnamFinance, việc bắt ông Trần Bắc Hà và các cựu lãnh đạo BIDV bước đầu liên quan đến dự án nuôi bò của Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà tại huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh.
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư có thể nói là một siêu dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, thuộc hàng các dự án nông nghiệp lớn nhất miền Bắc.
Theo quyết định bổ sung quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo sát thực hiện dự án mà UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành vào ngày 15/04/2015, tổng diện tích dự kiến khảo sát của dự án khoảng 6.119,28 ha; quy mô đầu tư dự kiến là 150.000 con bò/năm; tổng mức đầu tư dự kiến là 4.223 tỷ đồng.
Để thực hiện dự án này, Công ty Bình Hà đã vay vốn từ BIDV. Theo thông tin từ BIDV, Công ty Bình Hà có kế hoạch vay ngân hàng này 2.190 tỷ đồng (tương ứng 76% tổng mức đầu tư) do BIDV – Chi nhánh BIDV Hà Tĩnh làm đầu mối cho vay, trong đó BIDV Hà Tĩnh sẽ đầu tư 1.200 tỷ đồng. Các chi nhánh trong hệ thống cho vay số tiền còn lại.
Nói tại lễ ký kết hợp đồng tín dụng với Bình Hà năm ấy, ông Kiều Đình Hoà, Giám đốc BIDV – Chi nhánh Hà Tĩnh, cho biết ngoài hợp đồng tín dụng cho vay trung dài hạn đã được ký kết, BIDV sẽ tiếp tục làm đầu mối đầu tư vốn lưu động cho dự án với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp lớn nhất mà Chi nhánh thực hiện từ trước tới nay.
Được biết dự án đầu tư tín dụng này có thời hạn vay 10 năm, trong đó 2 năm đầu ân hạn. Lãi suất cho vay được áp dụng theo cho vay thương mại trên thị trường, 3 tháng điều chỉnh một lần.
Theo tiến độ thực hiện dự án, đến tháng 8/2015, Công ty Bình Hà sẽ nhập 20.000 con bò và đến cuối năm 2015 sẽ nhập đủ 30.000 con theo đúng quy mô giai đoạn 1 của dự án.
Tuy nhiên, khi mới đi vào hoạt động, dự án đã gây ô nhiễm môi trường và vấp phải phản ứng gay gắt của người dân địa phương. Đến nay, sau 3 năm triển khai, số lượng bò của dự án chỉ vào khoảng vài trăm con. Một diện tích rất lớn của dự án bị bỏ hoang. Để cải thiện tình hình, Công ty Bình Hà đã chuyển đổi một phần diện tích đất sang trồng chuối. Tuy nhiên, hiệu quả của việc trồng chuối cũng hết sức mịt mờ.
Chiều 29/11, một nguồn tin VietnamFinance cho biết: “Dự án của Công ty Bình Hà sau khi lập xong, đã giải ngân rầm rầm nhưng sau đó bị thua lỗ. Chưa kể còn sai phạm trong quá trình cho vay”.
Trước đó, một số tờ báo đăng tải cho biết BIDV đã cho Công ty Bình Hà vay 810 tỷ đồng; trong đó vốn dài hạn là 492 tỷ đồng để thực hiện xây dựng dự án, cho vay ngắn hạn 318 tỷ đồng để thực hiện nhập khẩu bò, thuốc thú y, thức ăn...
Tuy nhiên, với tình cảnh hoạt động bết bát hiện tại, việc BIDV thu hồi khoản cho vay này đang trở nên khá mong manh. Cho đến nay Công ty Bình Hà mới chỉ trả cho BIDV được 5 tỷ đồng.
Lần giở lại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hà Tĩnh đối với dự án của Công ty Bình Hà, thấy nêu: “Căn cứ Thông báo số 642-TB/TU ngày 26/3/2015 của Tỉnh ủy về kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với BIDV, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Công ty Cổ phần Khoáng sản và Năng lượng An Phú…”
Như vậy có thể thấy dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà dính dáng tới ba cái tên: BIDV, Hoàng Anh Gia Lai và An Phú.
Tuy nhiên, hồi năm 2016, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai, ông Võ Trường Sơn, đã xác nhận: “Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai không phải là cổ đông góp vốn và không có liên quan gì đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà. Hoàng Anh Gia Lai chỉ tham gia hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn ban đầu cho doanh nghiệp này”. Như vậy, dự án này chỉ còn liên quan đến 2 cái tên là BIDV và An Phú.
Theo thông tin từ Viettimes, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (Bình Hà) được thành lập tại Hà Tĩnh vào ngày 10/04/2015, chỉ khoảng 5 ngày trước khi được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo khảo sát thực hiện dự án.
Khi mới thành lập, Công ty Bình Hà có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, đóng góp bởi 3 cá nhân: Thái Thành Vinh (60 tỷ đồng, tương đương với 30%); Trần Anh Quang (25%); Đinh Văn Dũng (45%). Tháng 01/2016, Bình Hà tăng vốn lên mức 400 tỷ đồng, thông qua sự đóng góp của các cổ đông hiện hữu.
Tổng giám đốc ban đầu của Bình Hà là ông Đinh Văn Dũng (sinh năm1965, thường trú tại Pleiku, Gia Lai). Đến trung tuần tháng 10/2016, chức vụ này được chuyển sang cho ông Trần Anh Quang (sinh năm 1982, thường trú tại Bình Định).
Ông Trần Anh Quang từng nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty An Phú! Và An Phú thì do ông Trần Duy Tùng – con trai của ông Trần Bắc Hà, làm người đại diện pháp luật!
Nguồn tin của VietnamFinance nói rằng dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà có liên quan đến một nhân vật là Trần Duy Tùng, con trai của ông Trần Bắc Hà.
Ông Trần Duy Tùng, sinh ngày 25/2/1985, từng là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên, hồi tháng 11/2017, ông Tùng đã bất ngờ từ nhiệm khỏi công ty này. Rất có thể, từ vụ án này, sẽ còn lộ thêm một số hoạt động cấp tín dụng của BIDV dưới thời kỳ ông Trần Bắc Hà làm chủ tịch.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.