Vì sao vàng SJC giảm 'sốc' đến 6 triệu đồng/lượng trong 1 ngày?

Bích Thủy - 19/07/2022 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Thị trường vàng trong nước đã có phiên giảm sốc sau 24 giờ giao dịch đầu tuần với mức giảm lên đến 6 triệu đồng mỗi lượng, tương đương 7%.

VNF
Vàng SJC đã có phiên giảm mạnh nhất trong ngày 18/7 với mức giảm đến 6 triệu đồng mỗi lượng.

Hôm nay (19/7), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) lúc mở cửa đầu ngày được niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 60 - 62,5 triệu đồng/lượng. Sau đó giá vàng nhích dần lên, sau 10h, mua bán trong khoảng 61,5 - 64 triệu đồng/lượng.

So với sáng hôm qua, giá vàng trong nước đã giảm khá mạnh, mức giảm lên đến 6 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, và giảm gần 4,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Còn so với mức đỉnh cao nhất 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày 8/3, giá vàng hôm nay đã giảm đến 11,5 triệu đồng mỗi lượng.

Ngày 18/7 đánh dấu phiên giao dịch gây sốc trên thị trường khi vàng miếng SJC giảm giá khá sâu. Cụ thể, sau khi mở cửa đầu giờ, giá vàng SJC đã bắt đầu giảm nhẹ, Sau 14h, giá vàng SJC giảm mạnh khi mua bán quanh mốc 64- 65,3, tức giảm thêm 1,4 triệu đồng so với buổi sáng. Tới 15h, giá vàng SJC mua - bán quanh ngưỡng 62- 64 triệu đồng/lượng, giảm đến 4 triệu đồng ở chiều mua vào và giảm 3,7 triệu/lượng chiều bán ra.

Hiện biên độ giá mua và bán vàng hôm nay được duy trì ở khoảng 2,5 triệu đồng/lượng, Chênh lệch khá xa này cho thấy thị trường đang có những biến động và đơn vị kinh doanh phải hạ giá mua vào để đảm bảo khoảng cách an toàn khi vàng thế giới giảm thêm.

Giá vàng thế giới ngày 19/7 đang ở 1.707,3 USD/ouce, giảm thêm 10 USD/ounce so với sáng hôm qua.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay cũng được điều chỉnh, mua bán quanh mức 51,9- 52,9 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 150.000 đồng/lượng so với hôm qua. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng trang sức duy trì ở mức 1 triệu đồng/lượng.

Mở cửa đầu tuần này, giá vàng trong nước giảm mạnh về vùng 62 triệu đồng/lượng sau nhiều tuần cố níu mức cao. Nhờ vậy chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới thu hẹp đáng kể. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết thấp hơn giá vàng SJC chỉ còn khoảng 13 triệu đồng/lượng, và thấp hơn giá vàng trang sức hơn 3 triệu đồng/lượng.

Đêm qua, tuy giá vàng thế giới có lúc tăng 17 USD/ounce để cán mức 1.725 USD/ounce nhưng sau đó lại giảm mạnh do giới đầu cơ mạnh tay bán tháo. Đến khoảng 6h ngày 19/7, giá vàng thế giới xuống còn 1.710 USD/ounce. Sau đó tiếp tục giảm về 1.707 USD/ounce.

Trước đà giảm mạnh của vàng thế giới, cộng thêm các ý kiến của chuyên gia về việc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên cho nhập khẩu vàng để giảm khoảng cách chênh lên đến trên 19 triệu đồng/lượng trước ngày 18/7, nên nhiều người suy đoán giá vàng trong nước trong thời gian tới sẽ giảm mạnh nên đã ồ ạt bán ra. 

Nếu đà bán ra vẫn được tiếp tục, giá vàng trong nước sẽ nhanh chóng rời khỏi ngưỡng 60 triệu đồng/lượng và tiệm cận theo giá thế giới, tức chỉ khoảng 50 triệu/lượng.

Tại thị trường tiêu thụ vàng hàng đầu châu Á là Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc Corp cho biết họ sẽ tạm ngừng một số loại giao dịch vàng và bạc cho khách hàng, bắt đầu từ 7 giờ ngày 15/8.

Kim loại quý gần đây đã bị bán tháo do lợi suất trái phiếu của Mỹ cao hơn. Tuy nhiên, lực bán chậm lại vào đầu tuần khi một số nhà giao dịch cắt giảm đặt cược vào việc Fed tăng lãi suất 100% so với mức tăng 75 bps trong cuộc họp tiếp theo.

Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã giảm lượng vàng do họ nắm giữ 0,26%, từ 1.016,89 tấn vào ngày 14/7 xuống 1.014,28 tấn vào ngày 15/7.

Trong diễn biến liên quan thị trường vàng, ngày 18/7, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Ukraine Kateryna Rozhkova xác nhận rằng quốc gia này đã bán số vàng trị giá khoảng 12 tỷ USD trong bối cảnh xung đột với Nga.

Cùng chuyên mục
Tin khác