Việt Nam đề nghị Đức tạo điều kiện tiếp cận công nghệ sản xuất vaccine Covid-19

Lê Anh - 25/05/2021 18:52 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Đức tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine cũng như công nghệ sản xuất vaccine của Đức trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng chương trình tiêm chủng nhằm thực hiện có kết quả mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.

VNF
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Ngày 25/5/2021, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas.

Tại cuộc điện đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định trong triển khai chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược với Đức.

Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng toàn diện, hiệu quả của quan hệ song phương sau 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2011 - 2021), nhất trí các biện pháp tăng cường hợp tác về kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học công nghệ, năng lượng tái tạo, đào tạo nghề, y tế...

Hai bên thống nhất sớm phối hợp xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức giai đoạn 2022 - 2023, trong đó chú trọng nối lại trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tăng cường các cơ chế đối thoại và hoạt động hợp tác.

Bộ trưởng Heiko Maas đánh giá cao nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong xử lý khủng hoảng dịch bệnh.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chúc mừng Đức đã đạt được những thành tích quan trọng trong chương trình tiêm chủng và kiểm soát dịch Covid-19, cảm ơn Đức và EU đã hỗ trợ vaccine cho Việt Nam qua cơ chế COVAX.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Đức tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine cũng như công nghệ sản xuất vaccine của Đức trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng chương trình tiêm chủng nhằm thực hiện có kết quả mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng Heiko Maas đánh giá cao vai trò, vị trí của Việt Nam trong triển khai Định hướng chính sách của Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm tăng cường hợp tác giữa Đức với khu vực trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại - đầu tư, phát triển bền vững và an ninh - quốc phòng.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh vai trò tích cực và xây dựng của Đức ở khu vực, cảm ơn Đức đã tích cực ủng hộ quan hệ hợp tác Việt Nam - EU, nhất là thúc đẩy việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đề nghị Chính phủ và Quốc hội Đức đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Hai bên đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt trong năm 2020, hai nước cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Đức là Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm.

Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, hai bên khẳng định đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Hai bên cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, ủng hộ thúc đẩy đối thoại và nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình bền vững cho Myanmar.

Xem thêm >> Rút kinh nghiệm từ Australia, New Zealand lên kế hoạch đối phó ‘bão thịnh nộ’ từ Trung Quốc

 

Cùng chuyên mục
Tin khác