(VNF) - Ông Ramachandran A.S, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) tại TP.HCM và Đà Nẵng khẳng định, sự hấp dẫn và vị thế của Việt Nam trong mắt các DN Mỹ ngày càng tăng và cộng đồng DN Mỹ sẵn sàng cung cấp chuyên môn, công nghệ và vốn để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của mình.
Các tập đoàn lớn của Mỹ đổ vào Việt Nam
Trong những năm qua, thương mại song phương Việt – Mỹ đạt được nhiều dấu mốc ấn tượng. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trưởng ở mức cao và chạm mức 124 tỷ USD vào năm 2022. Trong nhiều năm, Mỹ luôn là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Thương mại song phương tăng trưởng kéo theo bùng nổ đầu tư FDI từ Mỹ vào Việt Nam. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến 20/12/2023, Mỹ đứng thứ 11 trong tổng số 144 quốc gia và vũng lãnh thổ đang rót vốn vào Việt Nam với 1.336 dự án với tổng vốn đầu tư lên tới 11.826,73 triệu USD.
Sự hiện diện của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam ngày càng trở nên rõ nét. Các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Intel, CocaCola, Cargill… hiện đã rót hàng tỷ USD vốn đầu tư vào Việt Nam. Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Kéo theo đó, các đối tác của Apple gồm Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Tập đoàn Intel đầu tư mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM với giá trị lên tới 4 tỷ USD. Trong khi đó, chuỗi cung ứng bán dẫn Amkor Technology (trụ sở tại Arizona, Mỹ) đặt nhà máy tại Bắc Ninh đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2023 với tổng đầu tư cho dự án lên tới 1,6 tỷ USD.
Marriott - tập đoàn sở hữu chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới, dự kiến mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, hướng tới mở thêm 20 khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc...
Trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp mới của Mỹ cũng bày tỏ sự quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đoàn đại diện của hơn 50 tập đoàn lớn của Mỹ, bao gồm những cái tên như SpaceX, Netflix và Boeing… đã đến Việt Nam để tìm kiếm thị trường đầu tư và kinh doanh, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào quốc gia khác. Các tập đoàn lớn như Boeing, Google, Walmart cũng không đứng ngoài cuộc khi tìm kiếm mạng lưới cung ứng để phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam.
Ông Ramachandran A.S cho rằng, điều này thể hiện sự quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam của các doanh nghiệp Mỹ.
Ông Jensen Huang, Chủ tịch Nvidia - Tập đoàn chip hơn 1.000 tỷ USD của Mỹ, khẳng định: “Chúng tôi sớm thành lập pháp nhân tại Việt Nam và cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của mình” trong chuyến thăm mới đây tới Việt Nam.
Việt Nam còn được xem là một trong những mắt xích quan trọng trong kế hoạch củng cố chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu của Mỹ. Ông Jose W. Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, từng tiết lộ, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu danh sách có thể hưởng lợi từ Đạo luật CHIPS trị giá 52 tỷ USD. 15 công ty Mỹ, bao gồm các công ty bán dẫn, hiện đang muốn rót 8 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch tại Việt Nam.
Nhiều công ty Mỹ cũng đang hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để đạt được mục tiêu xóa bỏ "dấu chân carbon", góp phần cung cấp cho Việt Nam nguồn nhân lực có kỹ thuật cao và xây dựng các khu công nghiệp carbon thấp. AmCham cho biết sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu đưa ra tại COP26.
Tất cả những động thái trên đều báo hiệu về một “chiến dịch” đầu tư mới vào Việt Nam từ các doanh nghiệp Mỹ. Nhiều chuyên gia nhận định, với việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện cộng với xu hướng dịch chuyển, tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu, dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Nikkei Asia, chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mở ra một kỷ nguyên mới về mở rộng liên kết kinh tế giữa hai nước. “Làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ 4 vào Việt Nam có thể đang hình thành, mở màn bằng một số ký kết trong thời gian Tổng thống Mỹ Biden thăm Việt Nam”, Nikkei Asia nhận định.
Khi Việt Nam được “chọn mặt gửi vàng”
Trong chia sẻ với Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, ông Ramachandran A.S, Giám đốc Quốc gia của Citibank tại Việt Nam kiêm Chủ tịch AmCham Việt Nam tại TP.HCM và Đà Nẵng nhận định, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã ghi nhận kết quả đáng khích lệ vào năm 2023 với mức tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Ramachandran A.S, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở mọi lĩnh vực.
“Đầu tiên, sự ổn định của các chính sách từ Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường tích cực, thuận lợi cho các nhà đầu tư Mỹ bởi các doanh nghiệp Mỹ thường lựa chọn môi trường có quy định rõ ràng, nhất quán để hỗ trợ hoạt động kinh doanh và tăng trưởng.
Thứ hai là thành quả kinh tế của Việt Nam trong vài năm qua. Việt Nam đã cho thấy khả năng phục hồi cao sau đại dịch Covid-19 và tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng kinh tế bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu phải đối mặt với hàng loạt thách thức vào năm 2023.
Thứ ba là Việt Nam sở hữu nhân khẩu học thuận lợi, trong đó quan trọng nhất là dân số thành thị trẻ và có trình độ học vấn cao, sẵn sàng làm việc và tham gia vào nền kinh tế thị trường.
Cuối cùng là chi phí lao động cạnh tranh, có tính chất quyết định đối với các doanh nghiệp sản xuất. Yếu tố này cũng đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài năm qua”, ông khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Ramachandran A.S cũng khẳng định, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện cũng như tầm nhìn và hoạt động của Chính phủ Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn cũng như lĩnh vực năng lượng tái tạo trong Kế hoạch Quy hoạch Điện VIII, ông nói.
“Chúng tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng tái tạo, đồng thời là đối tác chiến lược của Mỹ trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu. Đối với cả hai lĩnh vực này, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng cung cấp chuyên môn, công nghệ và vốn để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của mình”, Chủ tịch AmCham Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng khẳng định.
Không chỉ dừng lại đó, đại diện AmCham cũng chỉ ra tiềm năng tăng trưởng đầu tư trong những lĩnh vực khác như sản xuất, đặc biệt là về may mặc, giày dép và lĩnh vực điện tử.
Ngoài ra, “Mỹ cũng sẽ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy tiềm năng trong các lĩnh vực thế mạnh của các doanh nghiệp Mỹ như cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính, bán lẻ và các hoạt động nghiên cứu và phát triển”, đại diện AmCham cho hay.
(VNF) - Với những kết quả tích cực trong thu hút FDI, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, Việt Nam đang tiến gần hơn đến giấc mơ trở thành công xưởng của Châu Á.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.