'Gã khổng lồ' đổ vốn tỷ USD, Việt Nam thành nhân tố chủ chốt trong công nghệ chip toàn cầu
(VNF) - Việt Nam đang trở thành một nhân tố quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, được thúc đẩy bởi nguồn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khuyến khích các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
- Việt Nam hội đủ điều kiện đón ‘sóng’ công nghiệp bán dẫn toàn cầu 10/11/2024 09:30
Mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam
Các công ty nước ngoài đang mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam khi hoạt động công nghiệp chuyển dịch khỏi Trung Quốc đang diễn ra nhanh chóng do căng thẳng thương mại với phương Tây, các giám đốc điều hành cho biết.
Trong chuỗi cung ứng bán dẫn, các quy trình hậu cần, vốn ít đòi hỏi vốn đầu tư hơn so với sản xuất tại các xưởng đúc, hiện do Trung Quốc và Đài Loan thống trị, nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trong phân khúc trị giá 95 tỷ USD này.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, ông Cho Hyung Rae, Phó Chủ tịch Hana Micron phụ trách thị trường Việt Nam, cho hay công ty đang mở rộng hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng muốn chuyển một số năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Một lãnh đạo của nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu Hàn Quốc này cho biết công ty đang đầu tư khoảng 1,3 nghìn tỷ won (930,49 triệu USD) cho đến năm 2026 để thúc đẩy hoạt động đóng gói chip nhớ cũ tại Việt Nam.
Nhà cung cấp dịch vụ đóng gói và thử nghiệm sản phẩm bán dẫn Amkor Technology (có trụ sở chính tại Mỹ) năm ngoái đã công bố kế hoạch trị giá 1,6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy tại Việt Nam.
Nhà máy này với diện tích 200.000m2 sẽ là cơ sở lớn và tiên tiến nhất của Amkor, chuyên "cung cấp khả năng đóng gói bán dẫn thế hệ tiếp theo".
"Gã khổng lồ" chip Mỹ Intel hiện cũng có nhà máy sản xuất chip lớn nhất trong mạng lưới toàn cầu của mình tại Việt Nam. Công ty đã có gian hàng lớn tại SEMIExpo Viet Nam 2024, triển lãm bán dẫn quy mô quốc tế lần đầu tiên và lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam, vào tuần trước.
Theo báo cáo được Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ và Boston Consulting Group công bố vào tháng 5, nhờ phần lớn vào các khoản đầu tư từ các công ty nước ngoài, Việt Nam dự kiến sẽ chiếm 8% - 9% công suất lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (ATP) toàn cầu vào năm 2032, tăng từ mức chỉ 1% vào năm 2022.
Các công ty địa phương cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp vào mức tăng trưởng dự kiến của ngành. Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sản xuất chip.
Đón “sóng” công nghiệp bán dẫn toàn cầu
Việt Nam với lợi thế lớn là quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt liên tục trong nhiều năm, có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có đam mê sáng tạo đang là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu của Việt Nam không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam từ lâu đã được biết đến như một thị trường tiềm năng trong lĩnh vực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói nhờ sự hiện diện của các nhà máy từ các tập đoàn lớn như Intel, Samsung và Hana Micron…
Tuy nhiên, hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam thực tế đã mở rộng bao phủ cả ba giai đoạn quan trọng trong chuỗi giá trị, dù phần lớn các hoạt động này hiện vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Công ty TNHH Công Nghệ Shunsin Việt Nam thuộc Foxconn hiện đang xin cấp phép môi trường cho dự án đầu tư 80 triệu USD vào Bắc Giang để sản xuất, gia công chip.
Trong Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đang xin ý kiến Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Shunsin cho biết sẽ góp 20 triệu USD để thực hiện dự án. Ngoài ra, vốn vay và huy động là 60 triệu USD, tương đương 75% tổng vốn đầu tư.
Mục tiêu của dự án là sản xuất, gia công linh kiện điện tử (bản mạch tích hợp) với tổng quy mô công suất 4,5 triệu sản phẩm một năm. Các sản phẩm được xuất khẩu 100% cho Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.
Các đối tác cung ứng linh kiện cho thiết bị Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk hiện cũng đang chuyển dịch sản xuất từ Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam.
Wistron NeWeb Corporation (WNC), đối tác Đài Loan cung ứng linh kiện cho SpaceX, đang sản xuất bộ định tuyến và thiết bị mạng dành cho Internet vệ tinh Starlink của Elon Musk ở một nhà máy tại tỉnh Hà Nam, Việt Nam.
Theo Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu tiếp tục phát triển, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn trong ngành bán dẫn, với triển vọng tăng trưởng tươi sáng.
SEMI đưa ra dự báo rằng thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 – 2028.
Foxconn xây nhà máy 'siêu chip' lớn nhất thế giới cho Nvidia
- Quan chức Nga dự đoán bi quan về triển vọng kinh tế năm 2025 12/11/2024 01:26
- Người dân Trung Quốc chi 210 tỷ USD mua thuốc lá, tiêu thụ 2,4 nghìn tỷ điếu/năm 12/11/2024 10:28
- Bất chấp các gói kích thích khổng lồ, kinh tế Trung Quốc vẫn ‘ì ạch’ 12/11/2024 09:15
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.